Wednesday, April 24, 2013

Hà Nội tháng Tư


































































Hà Nội đầu tháng 4 trời dịu mát, buổi sáng ngồi nhâm nhi ly café quán vỉa hè, nhìn những cây si đứng chen lấn lòng đường như cô gái tóc thề bướng bĩnh, những dòng xe nườm nượp đi qua, quán bún thang thật trong mấy con ốc béo ngậy thơm mùi gừng bốc khói, quán có bày một rỗ đu đủ chín vàng ươm, những chùm vải đầu mùa thật tươi nhìn là muốn ăn liến, ngó sang bên kia là cô bán hoa chở đầy những bó hoa hồng hoa cúc, ly ly đủ màu... Tiếng guốc dép lao xao, râm rang tiếng nói cười trong góc phố...Bước vào bên trong quán café Phố Hòa Mã, thật ngỡ ngàng có thật nhiều chiếc đồng cổ rất lạ và cũng quen quen vì còn sót lại trong ký ức xa xôi của mình vài cái đồng hồ xinh xinh như thế đã từng thấy! Ôi thời gian trên chiếc đồng hồ! Bao nhiêu yêu kiều cũng từ đó và héo hắt cũng từ đó, ghi hằn những dấu tích không chừa một ai, hay một vật thể nào... Hà Nội thật gần trong sinh hoạt của từng người trên phố sá. Một điều gì đó rất đời thường, rất dân dã mà ta dễ cảm nhận có lẽ chỉ có ở nơi đây. Dãy phổ cỗ những rêu phong, những bụi mờ khuất lấp tạo nên vẻ thâm u cùa gam màu lạnh, cổ kính hòa với màu xanh muôn thuở của những cái hồ xinh xắn như những viên ngọc bích mà tạo hóa làm rơi xuống đất kinh đô này. Nơi nào còn lại danh tánh của những bậc hiền tài, trạng nguyên của đất nước: Đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám! Nhìn những bia đá ghi chi chít tên những ông trạng, ông tiến sĩ thi đậu cao trong các kỳ thi, tôi chợt thầm nghĩ truyền thống này hay quá sao chúng ta không kế tục nhỉ? Có lẽ nhiều người học giỏi đỗ cao sau này chả ai nhắc tới, còn đâu những tấm gương cho cháu con noi theo? Ba vị vua Lý Thánh Tông(1023- 1072), Lý Nhân Tông( 1066- 1128) và Lê Thánh Tông (1442-1497) là những người lập ra và kế thừa việc phát triển văn hóa đất nước bắt đầu từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám - nơi thờ Khổng Tử và Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của Việt Nam, mở ra những khoa thi đặt nền móng cho Nho giáo Việt Nam góp phần phát tiiển văn hóa nước nhà. Sao những vị vua ngày xưa rất chú rất trân trọng những hiền tài đến như vậy? Ngẫm nghĩ mà thấy buồn và tiếc nuối ?!Tầng lớp trí thức tài giỏi bây giờ được nhắc đến có chăng chỉ khi bản thân họ nỗ lực và đạt được giải thưởng cao, thế giới biết đến thì mới thấy ông này, ông kia đến chụp hình chung trao tặng danh hiệu nghe kêu rõ to, gặp mặt, dùng cơm thân mật làm ra vẻ như quan tâm lắm! Lúc họ lăn ra học đến phát ốm, vàng cả da, xanh cả mắt, rã cả ruột chả ai hay(?) Nhưng quan tâm mấy bữa rồi sau đó lại chìm dần vào quên lãng. Có lẽ vì bây giờ không còn có con rùa nào chịu cõng trên vai những tấm bia nặng mà chỉ ghi toàn tên những ông trạng như thế nữa?(!) Chùa Trấn Quốc vẫn như xưa nhưng bị che phủ những tấm hiên bạt làm mất vẻ tôn nghiêm và Phủ Tây Hồ thì trùng tu sao mới quá mất đi vẻ cổ kính u tịch trong lãng đãng sương khói năm nào. Còn Hồ Tây bây giờ bị lấn chiếm nhiều quá nên cứ thu hẹp dần, có lẽ sau này Hồ Tây chắc sẽ bị tóp teo như Hồ Hơ Le mà thôi!?Nhưng dù sao Hà Nội vẫn đẹp, người Hà Nội vẫn dễ thương... Mặc cho bụi thời gian và bụi trần gian cứ muốn trùng vây... Ừ có khi nghĩ bâng quơ, tôi cũng thấy lo "Tháp Rùa nằm một mình ở giữa hồ không biết có ai chăm sóc không?" E rằng một sáng nào đó thức dậy nghe tin "sét đánh": Tháp Rùa do tuổi cao sức yếu đã không chịu nỗi không khí lạnh và ẩm ướt của Hồ Gươm đã bị sụp đỗ tan tành...mất đi vĩnh viễn. Chắc lúc ấy tôi sẽ buồn lắm đó Tháp Rùa à!