Thursday, July 28, 2011

Mái ngói rêu phong

 Kính tặng Cha nhân ngày sinh nhật lần thứ 71. 


Hồi còn bé tôi gầy trơ xương, nhưng rất mê vẽ, ngồi khòm lưng, đầu gối quá tai, vẽ khắp nền nhà như một con nhện làm họa sỹ. Hình ảnh đó đã được cha tôi chụp lại lúc nào không rõ. Cha thường đến trường chụp hình chúng tôi cùng các bạn nhỏ khác khiến chúng tôi rất vui. Sau này lớn lên, xem lại tôi mới thấy tình yêu thương của cha tôi trong từng tấm ảnh trắng đen cũ kỹ ấy. Cha tôi hay động viên tôi vẽ tranh. Mỗi tấm tranh màu nước tôi vẽ từ óc tưởng tượng thơ ngây đều được cha tôi trân trọng treo lên khắp tường nhà như những tác phẩm nghệ thuật. Có lần tôi đã đoạt giải ba cuộc thi thiếu nhi toàn thị xã với bức tranh “Miệt mài đèn sách”. Thành tích ấy đã làm cho cha tôi rất vui.
             Cha tôi rất yêu văn nghệ, ông biết đàn măng-đô-lin, thích làm thơ và thổi sáo. Những đêm trăng sáng chúng tôi ngồi quây quần bên cha trước sân nhà trong khu vườn có những cây dừa thân cao đổ bóng. Cha tôi đặt một thau nước bên cạnh để rửa ống sáo và ngồi thổi cho chúng tôi nghe những nhạc phẩm như: Thiên thai, Suối mơ của Văn Cao, Biệt ly  của Doãn Mẫn, Hương Xưa của Cung Tiến,  Con thuyền không bến của Đặng Thế Phong.v.v… Tôi thả hồn theo giai điệu du dương, trầm bổng, tha hồ tưởng tượng, tha hồ mơ ước và cảm thấy tiếng sáo ấy sao mà hay quá!  Tiếng sáo của cha tôi như dòng suối ngọt ngào len lỏi vào tâm hồn tôi, nuôi nấng những cảm xúc về âm nhạc từ thơ ngây cho đến tận bây giờ. Cha tôi đã dành dụm sắm một chiếc máy cassette. Cha thổi sáo, mẹ ngâm thơ, chúng tôi lần lượt mỗi đứa hát một bài để thu âm. Được nghe chính tiếng hát của mình lần đầu tiên trên máy, ai cũng có cảm xúc tuyệt vời và vui thích không gì bằng.
              Cha tôi thường dạy cho chúng tôi hát và dạy vài món nhạc lý cơ bản. “ Nào anh em ta, tay nắm tay cùng đùa vui, cùng nhau vui ca, vang  hát cho đời thắm tươi. Cùng ngắm xem trời mây chim bướm lượn nhịp nhàng…”. Lời hát ngày xưa cha dạy bất chợt bay về trong ký ức, nhẹ nhàng, thảng hoạt như mùi hoa dừa trong khu vườn cũ, làm thức dậy những xôn xao thơ ấu trong lòng tôi như  khi còn vui sống sum họp trong mái ấm gia đình . Cha tôi là người khởi xướng những cuộc thi hát trong gia đình. Cha tôi chấm và trao cho chúng tôi những món quà rất dễ thương. Các chị tôi luôn dành vị trí nhất, nhì, vì họ hát rất hay còn tôi may mắn lắm mới được giải ba. Mặc dù vậy, sau này, có khi tôi cũng cả gan đem “tài ca hát” ra thi thố với mọi người.
Cha tôi đánh bóng bàn rất hay. Ông đã nhận nhiều chiếc cúp và bằng khen về môn thể thao này và hình như ông cũng muốn tìm một “đệ tử” để “truyền nghề”, nên anh em chúng tôi đứa nào cũng có thời kỳ xách vợt theo cha“ tầm sư học đạo”. Mặc dù cha tôi chỉ bảo rất tận tụy, nhưng trong chúng tôi không đứa nào có năng khiếu cả, nên luyện hoài cũng chỉ đạt được một vài giải nhỏ nhỏ ở trường. Chúng tôi lúc còn bé, chưa biết bơi nên đeo quanh cha như một bầy khỉ con, theo cha ra tít ngoài khơi. Nhờ cha tập bơi nên chúng tôi hầu hết đều biết bơi, đám con trai bơi rất khá.
Tôi và chị Khánh Hương, kề tôi rất nghịch ngợm, có lần cả nhà đi vắng hai chị em leo lên bàn vừa hát, vừa nhảy tuýt, thế là kính mặt bàn bị nứt làm đôi. Cha tôi về nghe mẹ kể lại, ông giận và tìm chúng tôi trị tội. Chúng tôi biết thân, nên giả vờ đi ngủ sớm . Nằm trong chăn, chúng tôi hồi hợp rồi thở phào nghe tiếng cha bảo: - Thôi chúng nó ngủ rồi, mai tôi hỏi tội sau. Hôm sau, cha tôi lại quên không phạt nữa. Lần khác, chị tôi đứng múa hát trước gương. Tôi nghịch ngợm xô chị ngã nhào làm gương vỡ tan tành. Sợ quá vì biết chắc thế nào lần này cũng ăn đòn nên tôi đã lấy giấy báo nhét sẵn vô quần kaky đang mặc, khi cha tôi đánh đòn nghe bộp bộp nên nghi ngờ hỏi: -Nhét cái gì trong quần? lôi ra mau!. Tôi vừa mếu máo, vừa lôi ra mấy tờ nhật trình thế là cha tôi buồn cười quá nên tha, không đánh nữa. Từ lúc ấy, tôi đã cảm nhận lòng khoan dung của cha dành cho “đám nghịch tử” chúng tôi thật lớn lao như núi.
Quà cho mỗi đứa khi được bằng danh dự, là những cuốn truyện:“ Cái ấm đất”, “Sự tích An Tiêm”, “Những tâm hồn cao thượng”…Sau này là những cuốn sách chia động từ, văn phạm pháp văn… với những câu đề tặng rất hay: “Mon petit oiseau… cố gắng học giỏi con nhé…”
Cứ mỗi dịp Giáng Sinh về nhắc tôi nhớ đến những kỷ niệm… Cha tôi mượn một chiếc xe chở cả đám chúng tôi và con nít hàng xóm hớn hở đi xem các hang đá Bê-lem ở xóm đạo. Đêm Rằm Tháng Tám, chúng tôi tay cầm lồng đèn bánh ú, lồng đèn ngôi sao, đứa được cha cõng trên vai, đứa nắm tay cha đi xem rước đèn, ăn chè bạch quả Thanh Lạc Trai.… Trung Thu đối với chúng tôi thật vô cùng vui thích. Tự bao giờ, cha đã trở thành tâm hồn của những cuộc chơi và mang đến cho chúng tôi biết bao đều vui sướng, hạnh phúc, khiến thời gian cứ trôi qua nhưng vẫn còn đọng mãi trong tôi ký ức những ngày xưa yêu dấu.
     Rồi khi tôi lớn lên, đi học xa, cha thường xuyên viết cho tôi những lá thư  thật hay và cảm động. Ông đã động viên và an ủi những lúc tôi gặp khó khăn chán nản. Khi gia đình túng bấn cha tôi không kể cho tôi nghe, sợ tôi buồn và xao lãng việc học. Có lần cha tôi đi mấy trăm cây số xe đò ra thăm tôi khi nghe ai bảo tôi bị ốm, tới nơi thấy tôi đã khỏe thế là ông lại tất tả quay về. Cha với tôi như hai người bạn. Bao lần tôi về thăm nhà, là bao lần cha tiễn tôi suốt quãng đường dài ra bến xe đò, nhét vội vào tay tôi ổ bánh mì. Chờ xe tôi khuất dạng, ông mới lủi thủi đạp xe về nhà.
 Còn rất nhiều tình cảm của cha nhưng tôi không nhớ hết và cũng như  anh chị em tôi, có người đã quên những điều cha làm cho mình nên đôi lúc cũng làm cho ông buồn. Người ta vẫn thường nói: “Nước mắt có bao giờ chảy ngược?”. Phải chăng chúng tôi cũng không thoát khỏi cái quy luật nghiệt ngã ấy(?). Nhiều khi tôi tự nhủ: “Mình thật diễm phúc có được một người cha tuyệt vời như vậy”. Mặc dù, tôi luôn yêu thương và quý trọng cha nhưng tôi chưa làm được gì cho cha tôi, ngoài việc sống tốt, được nhiều người thương mến và chăm chỉ làm việc như ông.
 Bây giờ tôi đã trưởng thành, cha tôi cũng đã già. Có lần tôi về thăm nhà và mãi ngủ vùi trong chăn ấm. Buổi sáng, cha tôi  đã thức dậy từ lúc nào. Ông đạp xe cọc cạch, mua đồ ăn sáng về cho tôi. Tôi bỗng dưng bực bội vô lý: - Ba ơi, ba mua cho con làm gì, con tự đi ăn được mà. Thế là cha tôi lại thoáng buồn, thoáng giận: “Chắc là con cái chẳng cần gì ở mình nữa rồi…”
Chẳng có nỗi lo nào giống nỗi lo nào… Cha tôi hay lo về bệnh tật tuổi già, chăm lo cho mẹ tôi thường xuyên đau yếu, lo kẻ trộm vào nhà lấy cắp… Gần đây, sức khỏe cha tôi giảm sút nhiều, nên bác sĩ bảo: - Bác không nên chơi bóng bàn nữa… Thế là cha tôi buồn rười rượi, xa cây vợt là xa tri kỷ. Có người bảo: -“ Lão tướng” từ nay “gác kiếm” rồi. Vóc dáng nhanh nhẹn và mạnh mẽ năm nào của ông, giờ chỉ còn là hồi ức. Có lẽ buồn nên cha tôi hay thức khuya, ngồi trầm ngâm trước màn hình vô tuyến, tự ái khi nghe con cái nói: - Ba đừng làm việc này…, ba đừng làm việc khác... Cha tôi bây giờ tự mình uống thuốc và không đợi mẹ tôi nhắc nhở nữa. Thơ thì lâu lâu ông mới làm được một vài bài nhưng không còn hay như trước. Ông ít cười nói như ngày xưa…Nhiều khi, tôi cứ khuyên cha tôi đừng sợ, đừng lo, thử hỏi: “Ai lại không có tuổi già cơ chứ?”. Nhưng nhìn cha như một mái ngói rêu phong, tôi lại thấy chạnh lòng:“ Mấy mươi năm nữa, tôi cũng sẽ như cha bây giờ hay còn tệ hơn là đằng khác? Vì chắc gì tôi sống lành mạnh và thể thao như cha? Và hình như tôi cũng lẩm cẩm rồi thì phải ?”. Tôi chưa lập gia đình, chưa một ngày được làm cha nên chắc chắn không thể diễn tả một cách trọn vẹn tình thương thật vô biên của cha, nhưng tôi cứ mong muốn bày tỏ điều gì đó trước khi trở nên quá muộn màng.


1 comment: