Sunday, January 27, 2013

Cây đại thụ âm nhạc Việt Nam đã ngả xuống


                                                                                 Cảm tạ nhạc sĩ Phạm Duy

Sau cái chết của con trai có lẽ nhạc sĩ Phạm Duy đã quá buồn, phần vì tuổi ông cũng cao (93 tuổi) nên trái tim lớn hai lần bị mỗ đã không còn chịu đựng được nữa và đã ngừng đập đầu giờ chiều nay. Cây đại thụ của âm nhạc Việt Nam ra đi chắc còn lâu lắm mới mọc lên một cây như thế...
Nhiều người sẽ khóc cho sự ra đi của ông trong đó có tôi. Trong số những người buồn và tiếc nuối có lẽ ca sĩ kỳ cựu Thái Thanh - người hát nhạc Phạm Duy hay nhất sẽ buồn rất nhiều! Ai yêu nhạc Việt Nam chắc không thể không yêu nhạc Phạm Duy và giọng hát vút cao giàu tình cảm của ca sĩ này. Phạm Duy viết nhạc từ chính hiện thực cuộc sống, từ hình ảnh quê hương con người Việt Nam, từ trong làn điệu ca dao, từ trong những câu tục ngữ, từ câu hát ví hát dặm, hát xẩm, hát ả đào... đậm đả chất quê hương. Bằng tình yêu mênh mông giữa con người... Ông đã viết nên những bản tình ca tuyệt vời và sống mãi với thời gian: Nghìn trùng xa cách, Hẹn hò, Nếu một mai em sẽ qua đời, Cỏ hồng , Khối tình Trương Chi, Dạ Lai hương, Cành hoa trắng, Bao giờ biết tương tư, Bên ni bên nớ, Mùa Thu Chết... Những bài về quê hương thật hay: Tình ca, Chiều về trên sông, Quê nghèo, Bà mẹ Gio Linh, Thuyền viễn xứ, Kỷ niệm... Thiên hướng về Tâm ca, Đạo ca của ông như: Quán Thế Âm, Chàng dũng sĩ và con ngựa, Giữa thành vách sương mù (Thơ Phạm Thiên Thư - Nhạc Phạm Duy), Giọt chuông Cam Lộ... và những Thiền Khúc đã đưa tâm thức con người vượt lên tất cả những cái tầm thường để thoát tục, bình tâm, an nhiên trong cuộc đời. Thậm chí tục ca của ông thực sự cũng không phải là chửi vu vơ xằng bậy. Đã nhiều thập niên trôi qua nhưng những bài Tục Ca này vẫn còn có thể dùng làm vũ khí phê phán xã hội. Tục trước hết nhắm vào những kẻ hay lên giọng đạo đức, phê phán kẻ khác... Ý tưởng của người nhạc sĩ đã từng du ca dọc theo các vùng miền trên đất nước và cả hải ngoại chắc hẳn đã kết tinh từ những vốn sống và tình cảm phong phú và đa dạng. Ông không những là người viết nhạc mà còn tạo ra những ca sĩ tên tuổi là các con ông: Duy Quang, Thái Hiền, Thái Thảo; Người phối âm phối khí tài năng Duy Cường... Tôi thật sự không đủ hiểu biết về âm nhạc để bình phẩm về tài năng và tác phẩm âm nhạc đồ sộ của ông nhưng bằng tình cảm và sự ngưỡng mộ ông quá nhiều nên tôi mới đường đột viết nên những dòng chia sẻ này.
Tất nhiên ai già rồi cũng có một cách chết để từ biệt cỏi đời nhưng có điều gì đó vẫn làm chúng ta thấy nghèn nghẹn trong cổ họng...
Làm sao không tiếc một người đã viết rất nhiều nhạc phẩm thật hay để chúng ta hát, để chúng ta yêu thêm quê hương, yêu thêm con người, để mỗi khi cất tiếng, chúng ta thêm yêu tiếng Việt -" Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nối", để khi đi xa chúng ta thấy nhớ "Mẹ già ngồi im bóng mái tuyết sương mong con bạc lòng", để khi nhìn thấy bầy trẻ nhỏ được " gọi về chia sớt miếng cơm khoanh cà..." chúng ta thấy nỗi trắc ẩn khôn nguôi trong lòng.
Theo Phạm Duy: Sống trong cỏi người ở ngoài hai cực của ảo vọng là thiên đàng và địa ngục thì mới có cơ hội làm Thánh hay làm quỷ, vì khi con người làm tắt đi đèn đóm thì có khi địa ngục còn sáng hơn đèn nên sáng hay tối chỉ là ảo vọng... Nhưng làm Thánh hay quỷ cũng không bằng làm người.
Từ biệt nhạc sĩ có tấm lòng rộng mở, luôn biết chia sẻ những cảm xúc của mình về mọi điều cho mọi người. Cầu chúc ông sớm được Mẹ "Quán Thế Âm" tiếp dẫn hương linh về miền cực lạc...Để kiếp sau ông lại được làm người với bao nhiêu khả năng và lựa chọn. Cho tôi được hát nhạc phẩm "Hẹn hò" của ông để thay lời từ biệt và cảm tạ nhạc sĩ.

http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=M3fWymjHlr

No comments:

Post a Comment