Monday, May 19, 2014

Vẻ đẹp Ninh Bình 3 - Chùa Bích Đông và Nhà Thờ Phát Diệm

* "Chùa Bích Động là một ngôi chùa cổ được xây dựng trên dãy núi đá vôi Trường Yên thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình. Chùa Bích Động nguyên có tên "Bạch Ngọc Thanh Sơn Đồng"- Mang ý nghĩa một ngôi chùa bằng đá đẹp và trong trắng như ngọc ở chốn thâm sơn cùng cốc. Bích Động là một trong những thắng cảnh nổi tiếng được mệnh danh là "Nam Thiên đệ nhị động", có nghĩa là động đẹp thứ nhì của trời Nam sau động Hương Tích.
Năm 1705, có hai vị hoà thượng Trí Kiên và Trí Thể, quê huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định gặp nhau kết nghĩa làm anh em. Hai nhà sư đều có lòng mộ đạo, muốn đi nhiều nơi để truyền bá đạo Phật và xây dựng các ngôi chùa. Đến đây, thấy núi Bích Động có địa thế tuyệt đẹp và đã có chùa, nên hai nhà sư quyết định dừng chân, tự mình sửa sang chùa cũ, đi quyên giáo xây dựng lại thành 3 ngôi chùa: Hạ, Trung và Thượng để tu hành. Năm 1707, hai nhà sư Trí Kiên và Trí Thể đã đúc một quả chuông lớn, hiện còn treo ở Động Tối. Bài Minh Bia ghi trên chuông được xem là bài minh bia của chùa, viết bằng chữ Hán, trong đó có đoạn:

"Tư sơn lũy tích
Phúc ngộ thiên duyên
Khai sơn tạc thạch
Uẩn khí lưu truyền"

Dịch nghĩa:

"Từng lên núi ấy
Có phúc, có duyên
Mở núi, đục đá
Tịnh khí lưu truyền"

Năm Giáp Ngọ 1774, chúa Trịnh Sâm đã đến thăm chùa, nhìn toàn cảnh núi, động, sông nước, đồng ruộng, cây cối đều xanh tươi, chùa như hội tụ nền xanh chùa nên đã đặt tên cho chùa là Bạch ngọc thanh sơn động. Chùa Bích Động là một công trình kiến trúc cổ nên cũng như những ngôi chùa khác được xây dựng bằng gỗ lim, mái lợp bằng ngói ta không có mấu, mũi lượn tròn, các góc của mái đều có đầu đao cong vút lên như hình lưỡi đao, hoặc như hình cái đuôi con chim phượng, làm cho mái uốn lượn, uyển chuyển như sóng nước thuỷ triều, nhìn bán diện như hình một chiếc thuyền rồng ngoạn mục trôi trên nước hoặc như hai cánh chim đang dang rộng bay lên:

"Núi bốn chung quanh nước bốn mùa
Thuyền nan nhè nhẹ mái chèo đua
Xôn xao sóng vỗ xung quanh động
Mờ mịt mây tuôn khắp cảnh Chùa "

Chùa Bích Động được xây dựng theo kiểu chữ "Tam" Hán tự, ba toà không liền nhau, tam cấp dọc theo sườn núi, dựa vào thế núi từ thấp lên cao thành 3 ngôi chùa riêng biệt: Hạ, Trung và Thượng. Điều độc đáo của chùa Bích Động là núi, động và chùa bổ sung cho nhau, lại ẩn hiện giữa những cây đại thụ xanh biếc, làm cho chùa hoà nhập với cảnh trí thiên nhiên ngoại mục. Toàn cảnh như một bức tranh núi rừng hùng tráng, dát lên một phù điêu gồm 3 ngôi chùa cổ kính, mái ngói rêu phong, có đủ 8 cảnh đẹp mà người xưa đã gọi là Bích sơn bát cảnh, ba chùa lại được xây trên sườn núi cao, dưới gầm lại có động Xuyên Thuỷ. " ( Wikimedia)

Chúng tôi đến Bích Động chiều đã tắt nắng, trước cổng chùa, ngay mép hồ, bắt gặp hai thanh niên đang đập đầu một con cá gì giống cá trê thật to, nó bị chặt hết vây máu me tùm lum mà vẫn nhảy đành đạch. Anh ta phải chụp nó mấy lần không thì nó đã tuồn xuống hồ, cuối cùng nó bị quăng xuống thềm đá và bị chày nện liên tiếp mấy cái. Trời ơi vừa mới bước tới cổng chùa mà đã thấy cảnh sát sanh dã man rồi, quả là thiện tai, thiện tai. Dừng lại suy nghĩ...thở dài...

Khung cảnh chùa cổ kính và thâm nghiêm vắng vẻ chỉ có vài du khách đến viếng chùa, vòng ra sau lưng chùa để lên Bích Động, có lẽ đôi chỗ của Bích Động đã bị bàn tay con người làm cho không còn nguyên sơ nữa nhưng đứng trên đỉnh nhìn xuống thấy toàn cảnh vẫn rất đẹp. Nắng chiều vàng rưc chiếu qua những mái ngói vảy cá cong cong thật đẹp, cây lá vẫn rất xanh những con dốc nhấp nhô thơ mộng, hang động mờ mờ ánh đèn, tìm cái hộp quẹt đốt nhang nhưng không thấy nên đành lạy chay vậy, lên đỉnh chùa có một điện thờ nhỏ đơn độc và cổ kính...Bích Động thật đẹp nhưng hình như cũng không được chăm sóc cẩn thận và trong quá trình trùng tu, tôn tạo cần phải có một kế hoạch thật chuyên nghiệp và mỹ thuật để khỏi làm mất đi vẻ đẹp nguyên bản của nó. Bước xuống sân chùa tạm gọi là tầng trệt, có một cụ bà ngồi bán những chiếc thuyền nan bé tí rất đẹp, mua một chiếc về làm kỷ vật của chuyến đi cũng khá thú vị. Nghe đồn bà cụ này cũng rất giỏi về thơ phú và ngâm vịnh nhưng vì vội đi tiếp đến nhà thờ Phát Diệm nên tôi đành bỏ qua không phỏng vấn cụ điều gì.

* " Nhà thờ đá Phát Diệm được thiết kế độc đáo, thể hiện sự sự giao hòa giữa Phật giáo với Thiên Chúa giáo và cũng là nét kết hợp văn hóa Đông – Tây đậm nét nhất.
Quần thể nhà thờ Phát Diệm với 117mét mặt tiền, dài 243m, tại thị trấn Phát Diệm (huyện Kim Sơn, Ninh Bình). Đầu thế kỷ XIX Phát Diệm là vùng đất bồi với bùn lầy và ngút ngàn cỏ sậy. Năm 1828, Nguyễn Công Trứ được triều đình nhà Nguyễn ở Huế phái ra Bắc với chức “Dinh Điền Sáu” đã khai phá lập ra vùng đất này. Kim Sơn là “núi vàng” và Phát Diệm có nghĩa là “Phát sinh ra cái đẹp”.
Có thể nói, quần thể nhà thờ Phát Diệm thể hiện sự giao hòa tinh túy giữa đạo Phật và Công giáo, được thiết kế hình mái cong hệt như đình chùa nhà Phật cũng là nét kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam. Tiếp đó là tượng thánh giá ngự trên đài sen, hệt như Phật hiện ngự trên đài sen. Có thể coi đây là lối kiến trúc độc đáo nhất thế giới.
Quần thể Nhà thờ đá Phát Diệm được xây dựng nhiều hạng mục khác nhau như: ao hồ, tượng đài, Phương Đình, Nhà thờ lớn, Nhà nguyện kinh thánh Rô Cô, Nhà nguyện kinh trái tim chúa, Nhà nguyện kinh thánh Giu-Se, Nhà nguyện kinh thánh Phê-Rô và các hang đá nhân tạo...
Tất cả được bố trí trên một mặt bằng tổng thể hình chữ “Vương”, không gian đóng mở theo phong cách tạo cảnh phương Đông rất rõ nét, trước có hồ, sau có núi, không những làm cho phong cảnh thêm hữu tình mà còn thể hiện tư duy, quan niệm của người Á đông “Tiền có thuỷ, hậu có sơn”, mọi việc sẽ diễn ra tốt đẹp, an lành cho cuộc sống hiện tại và mai sau." ( Wikimedia)
Chúng tôi đến nhà thờ trời cũng bắt đầu chạng vạng, bóng chiều tà vây phủ, khiến nhà thờ càng trở nên thâm u và huyền bí. Kiến trúc nơi này rất độc đáo, nó hài hòa giữa những cột và kèo, giữa xi măng và đá vữa, đặc biệt là những chỗ nối bằng đá rất chắc, những cột gỗ lớn và một cầu thang xoắn giữa nhà thờ, bằng gỗ mộc không sơn phết hay đánh vẹc ni. Theo cảm nhận của tôi nhà thờ này rất đẹp, đẹp vì nó rất hài hòa với khung cảnh xung quanh, gần gủi với văn hóa của người Việt, đẹp vì nó giao thoa giữa kim và cổ, giữa hai tôn giáo chính người Việt đang tín ngưỡng. Khi đứng trong không gian này dường như ta quên hẵn đang đứng trong nhà thờ hay trong chùa (khi không nhìn đến tượng Chúa). Không có cảm giác xa lạ mà thấy rất gần gũi. Thật may cho tôi khi được chứng kiến một hôn lễ diễn ra trong nhà thờ: cô dâu đơn sơ trong tà áo dài tha thướt, trang điểm nhẹ nhàng; chú rễ không mặc veste chỉ chemise đơn giản và caravat nhưng rất đẹp, mọi người im lăng và tươi tắn làm nên một bầu không khí thiêng liêng và trang trọng. Chính nơi đây mới cho ta rõ ràng một khái niệm: Đẹp nhất ở sự hài hòa và phù hợp chứ không phải hào nhoáng, lộng lẫy.






































No comments:

Post a Comment