Sân khấu đơn giản, tính ước lệ cao và khá cơ động với những bục và những kệ bậc thang, diễn viên múa đôi khi núp bên trong kiêm luôn phần thay đổi thiết kế sân khấu một các tự nhiên, linh hoạt. Trong tác phẩm phần trang phục của nhân vật khá ấn tượng, nhạc nền được Tây Phong chọn phù hợp và tác động sâu sắc đến tâm lý người xem. Tôi cũng nhận ra giọng hát ma quái của bà Sainkho Namtchylak. Vở diễn được khán giả đón nhận một cách nồng nhiệt và chăm chú theo dõi từ đầu đến cuối. Các Thầy trong Hội đồng chấm thi khen ngợi và có nhận xét: "Vở diễn rất thành công. Trong khi xem không có những tiếng ồn hay hú lên vô cớ...". Thực sự khi xem những vở kịch của những đạo diễn đã thành danh hiện thời, có khi tôi cảm thấy thật khó chịu vì lời thoại cẩu thả, thiếu văn hóa, cách thọt léc chọc cười khán giả, hay lạm dụng pha trò trong kịch hài như là một cái "mốt thời đại" để một số người nhẹ dạ bắt chước, làm thành những hạt sạn không thể nào nuốt nỗi ( Ví dụ như: vở kịch " Cô gái triệu đô"). Với vở diễn Ngộ Nhận mặc dù chỉ là báo cáo tốt nghiệp bên cạnh những lỗi nhỏ về âm thanh mở màn hơi lớn hay vài lỗi nhỏ khi diễn nhưng nhìn chung từng lời thoại được cách chắt lọc, sâu sắc. Vở diễn có bốn nhân vật chính nhưng với sự diễn xuất khá xuất thần của các diễn viên trẻ tài năng và dàn diễn viên múa vũ đạo đẹp và mới lạ...đã để lại những cảm xúc thăng hoa trong lòng người xem.
Vở diễn chuẩn bị gấp rút hơn một tháng nhưng chỉ diễn ra hơn 1h30', nhưng dường như đâu đó sự còn có sự tiếc nuối...hơi ngắn. Tây Phong được đánh giá là một sinh viên chăm chỉ, chịu khó tìm tòi và luôn chọn con đường khó để đi...Hy vọng khi trở thành đạo diễn bạn sẽ có tiếng nói riêng của mình, không chiều theo thị hiếu tầm thường của đám đông nào đó mà đánh mất cái nhìn của người làm nghệ thuật chân chính!
No comments:
Post a Comment