Trong ký ức thời niên thiếu của mình, trường Phan Bội Châu là một phần hình ảnh thật nên thơ của quê hương Phan Thiết. Ngôi trường ngói đỏ, tường vàng, rợp bóng cây xanh đã chứng kiến những quãng đời tuyệt đẹp của tuổi học trò, chất chứa những kỷ niệm có tôi cùng bạn bè trang lứa và thầy cô kính yêu.
Năm cuối cấp, tôi học môn vật lý do thầy Lê Hữu Nga dạy. Thầy là một trong những giáo viên trẻ, còn độc thân, đôi mắt sáng thật hiền nhưng rất cương nghị. Cách diễn đạt của thầy nhiều khi không được lưu loát cho lắm, nhưng bài giảng của thầy thật dễ hiểu. Đôi khi trong giờ học, chúng tôi ít tập trung nên không hiểu bài. Thế nhưng, thầy không giận, cứ giảng lại từ đầu cho đến khi nào chúng tôi hiểu mới thôi. Là giáo viên chủ nhiệm, nhưng thầy rất ít
khi la rầy chúng tôi. Thầy luôn cho những lời khuyên chân thành và ý nghĩa để
chúng tôi ngẫm nghĩ mà sửa đổi.
Ngày thi tốt nghiệp phổ thông sắp đến. Chúng tôi ngổn ngang với bao nhiêu bài vở. Thầy đưa ra ý định làm cho mỗi người một tập tài liệu môn vật lý để dễ dàng ôn tập hơn. Lúc đó, máy photocopy và
máy quay rô-nê-ô rất hiếm nên thầy phải dạy chúng tôi in thủ công. Chúng tôi lập ngay một “ xưởng in nhỏ” ở nhà một bạn trong nhóm, cùng thầy miệt mài ngày đêm in tài liệu ôn tập. Ngoài
việc in ấn, chúng tôi còn phụ thầy vẽ những hình ảnh minh họa trong bài. Nhiều đứa buồn ngủ, nằm lăn ra sàn gỗ đánh một giấc, thức dậy lại tiếp tục làm việc, nhưng thầy hầu như thức trắng đêm để gõ bản in vì chúng tôi không ai
đánh được máy chữ cả. Nhiều lần tôi thức giấc, thấy thầy vẫn ngồi đánh máy bên ngọn đèn dầu leo lét. Bóng thầy hắt lên vách tường thật thân thương và cảm động. Hình ảnh đó đã để lại một ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn tôi. Lần đầu tiên làm được một công việc ý nghĩa như vậy nên chúng tôi cảm thấy rất vui vẻ và hăng hái. Công việc hoàn thành trước ngày thi tốt nghiệp phổ thông một tháng. Ngày đó, chưa có những giáo trình ôn tập được in ra bán như bây giờ nên tài liệu được sự đón nhận rất nồng nhiệt của toàn thể học sinh khối 12. Một kết quả thật đáng mừng: Hầu như không có học sinh bị dưới điểm môn vật lý của thầy và kết quả đậu tốt nghiệp toàn trường rất cao (hơn chín mươi chín phần trăm). Sau đó, nhóm chúng
tôi vội vã vào Sài Gòn ôn thi đại học ngay. Một hôm trời rả rích mưa, tôi đang ngồi làm bài bỗng dưng nghe có tiếng gọi. Mở cửa ra, tôi nhìn thấy thầy, người ướt sũng. Thầy từ Phan Thiết đi xe đò cả ngày trời vào Sài Gòn thăm chúng
tôi. Thầy rút trong áo khoác ra một phong thư, trong ấy có giấy chứng nhận tốt nghiệp và cả giấy báo thi đại học đưa cho tôi. Thầy báo tôi đậu tốt nghiệp loại giỏi. Tôi rất vui và xúc động trước tình cảm của thầy. Sau đó, thầy trò đèo nhau trên chiếc xe đạp cọc cạch đi tìm bánh xèo chảo để ăn mừng. Kỷ niệm thầy trò té xe, cười lăn trong vũng nước mưa, tôi vẫn còn nhớ. Vì phải chạy ngược, chạy xuôi đến các trung tâm luyện thi, trọ học vất vả ở Sài Gòn, nên tôi than thở với thầy:“ Ở đây chán quá thầy ơi, tụi em khổ quá chừng…”. Thầy bảo không có nơi đâu bằng quê nhà, nhưng cuộc sống nhiều thử thách mới có ý nghĩa. Tôi ngồi ngây ngây nghe thầy nói về kinh nghiệm thi đại học, về tình cảm và cuộc sống. Chia tay tôi, thầy còn lên tận đường Âu cơ – Tân Bình đưa giấy báo cho mấy bạn khác. Tôi không ngờ giây phút ở Sài Gòn là kỷ niệm sau cùng với thầy. Thời gian trôi qua, chúng tôi mãi miết với chuyện học hành và sự nghiệp, thỉnh thoảng mới có dịp nhắc đến thầy. Sau đó vài năm, thầy đã chuyển trường lên vùng cao dạy học. Một hôm, tôi thảng thốt khi nghe tin thầy bị bệnh nặng qua đời, nhưng hỏi bạn bè không ai biết thầy bệnh gì cả. Năm ấy, thầy còn rất trẻ, để lại bao nhiêu hoài bão còn dở dang. Chúng tôi bồi hồi, ngơ ngác và thương tiếc thầy vô cùng… Đôi khi sống trong hoài niệm, nhớ trường, nhớ bạn cũ ở Phan Thiết tôi cảm thấy thấm thía lời thầy năm xưa…
Vừa rồi nhân kỷ niệm 20 năm ngày ra trường của học sinh khoá 1979 –1982, tôi
về gặp lại bạn bè và thầy cô giáo cũ. Mừng mừng, tủi tủi sau bao năm xa cách, tôi cảm thấy buồn vì thiếu vắng thầy… Được thầy Tám dạy văn lớp tôi, xưa ở chung nhà tập thể với thầy kể rõ sự tình, tôi mới biết thầy qua đời với một lý do thật tức tưởi: Trong một lần tìm đến nhà học sinh ở xa đưa giấy báo thi đại học, thầy giẫm phải một dầm gỗ khi lội qua suối. Vì bận bịu việc chấm thi chưa kịp tiêm ngừa, không đầy ba ngày sau, thầy đã bị cứng cơ nhai và lên cơn co giật. Căn bệnh phong đòn gánh (y học gọi là bệnh tétanos) đã cướp đi sinh mệnh của thầy. Hoàn cảnh dẫn đến cái chết của thầy giống trường hợp ngày trước thầy đã làm cho chúng tôi, cũng
lặn lội tìm đến với học trò đưa giấy báo thi, làm cho tôi suy ngẫm và
chợt nhận ra “cái nghiệp” trong nghề giáo của thầy. Chính thầy đã thương yêu, lo lắng cho học sinh, đôi khi quên cả bản thân để tổn hại đến tính mạng(!). Nhưng điều khiến tôi muốn nói với mọi người đã từng được thầy dạy dỗ, đó là tình cảm mộc mạc, chân tình và thầm lặng của thầy đã dành cho học sinh chúng tôi. Tấm lòng cao quý của một người thầy mà mãi đến bây giờ tôi mới cảm nhận hết.
Trước khi thầy mất, tôi chưa lần nào viết thư cảm ơn thầy về những điều thầy làm cho chúng tôi. Thời gian qua dường như tôi đã quên bẵng thầy? Điều đó cứ làm tôi day dứt mãi… Thế rồi, có một đêm, tôi bỗng nghe trong tiềm thức tiếng lách tách của máy đánh chữ quen thuộc năm nào… Dưới ánh sáng mờ mờ của cây đèn ngủ màu vàng, bóng thầy thoáng hiện trên vách. Tôi mơ màng tỉnh giấc, bàng hoàng như vừa gặp lại thầy. Sau đó, không chợp mắt được nữa, có điều gì thôi thúc, tôi vội vàng ngồi vào máy tính, say sưa ghi lại những dòng hồi ức đang tuôn trào. Lòng tôi như muốn thắp lên nén hương thật ấm áp tưởng niệm trước vong linh thầy. Đêm ấy, bên cạnh bóng thầy, có bóng tôi nhỏ nhoi in trên vách.
( Đăng trong tập nhiều tác giả - Ơn Thầy tập II - NXB tuồi trẻ 2003)
No comments:
Post a Comment