Sunday, May 13, 2012

Dòng suối mây trôi




Chúng tôi đến nơi nắng đã lên đồi. Len lỏi trong rừng sâu người nóng bức, mồ hôi nhễ nhại, đôi chân như không thể bước thêm được nữa, mắt như muốn đổ lửa. Tôi rền rĩ:
- Suối Tiên gì sao không thấy tiên đâu mà chỉ thấy “nổ đom đóm”!
Một đứa bạn trấn an:
- Sắp đến nơi rồi yên tâm đi!…
Đi thêm một đoạn, tai nghe văng vẳng có tiếng nước reo. Thiên nhiên hiện ra như một bức tranh hoang sơ. Một dòng suối trong veo, mát lạnh chảy róc rách qua khe đá. Ba cái hồ nhỏ nối tiếp nhau theo triền dốc tỏa hơi nước mát rượi xua tan sự mệt nhọc.
Chung quanh, bướm xanh, bướm vàng bay từng đàn rập rờn như những bóng mây thấp thoáng trôi ngang mặt hồ. Bầu trời, mặt đất cây cỏ…đâu đâu cũng thấy bướm. Chúng say sưa đậu trên những bụi phong lan thơm ngát, đậu lên vai, lên tóc tôi, thỉnh thoảng có chú nghịch ngợm chui vào tay áo như muốn làm quen. Bướm đậu san sát bên nhau, nhịp nhàng khép mở những đôi cánh những chiếc lá vàng phủ đầy trên thảm cỏ ven suối và rơi vãi trên những mõm đá. … Chúng họp thành từng đàn  rồi bỗng chốc lại tản ra muôn hướng ngập ngừng như không muốn bay đi.
Vui vẻ phấn chấn hẳn lên, tôi lao xuống hồ nước, khuấy động sự yên tĩnh của đàn cá nhỏ đủ màu đang bơi lượn bên đám rong xanh biếc. Như con rái cá tôi trổ tài bơi lặn trước mấy cô bạn gái trong lớp. Tiếng ầm ầm của lũ bạn nhảy xuống hồ hòa với tiếng cười đùa xóa tan không gian tĩnh mịch của núi rừng. Thằng bạn nghịch ngợm mặc một cái áo tắm nữ, độn hai trái xoài trước ngực, ống quần lòi ra khỏi áo, ỏng ẹo tạo dáng đòi chụp hình khiến cả bọn cười bò lăn. Dòng suối thân thiết, hiền hòa ôm lấy chúng tôi gội sạch bụi đường.
     Không khí trong lành lại được tắm mát, bụng đã thấy đói cồn cào nên ăn uống đơn sơ mà ngon chi lạ . Cùng với tiếng guitare, tiếng hát của chúng tôi vút cao như lay động nước mặt hồ:
      “ Gửi gió cho mây ngàn bay,
 gửi bướm đa tình về hoa,
   …. về đôi mắt như hồ thu.”
Trong thinh lặng của núi rừng chốc chốc có tiếng chim hót lãnh lót, tiếng gà gáy te te, tiếng ve kêu rang rang… tấu lên bản nhạc rừng nghe vui tai:
“Ngủ bên dòng suối ngát thơm mùa hạ
Bướm vờn bay tia nắng ngã lưng đồi
Rừng ngân lên muôn ngàn âm thanh lạ
Đứng giữa trời  nghe cây cỏ hát ca”
Cởi áo cột ngang hông, tôi mang máy ảnh đi, leo lên những tảng đá lớn ngắm nhìn chọn cảnh. Góc độ nào của dòng suối cũng đẹp. Mặc cho hơi nóng của đá bốc lên và tia nắng mặt trời cháy bỏng rọi xuống, tôi cứ thoăn thoắt leo lên những tảng đá ven suối săn tìm những bức ảnh nghệ thuật…
Thơ thẩn một lúc tôi đã thấm mệt, ngả lưng bên dòng suối nghỉ ngơi rồi tưởng tượng: Vào một đêm trăng tròn, hắt lên mặt hồ những vệt sáng lung linh những nàng tiên nữ tóc dài hiện ra để đôi cánh trắng trên bờ tắm mình trên dòng suối. Tôi lim dim nhớ lại câu chuyện ông Từ Thức đi lạc vào cảnh tiên… Đang mơ màng, từ trong cánh rừng một cô gái tha thướt bước ra, nàng đến ngồi xuống bên tôi rồi nhẹ nhàng nâng đầu tôi đặt lên đùi nàng. Tôi há hốc không kịp phản ứng gì, mắt nhìn nàng trân trân vừa ngạc nhiên, vừa thích thú. Vóc dáng nàng thon thả, đôi mắt đẹp mê hồn, mái tóc dài thơm hương. Nàng dịu dàng cuối xuống khóa đôi môi tôi bằng một nụ hôn ngọt ngào. Tôi, cậu con trai hai mươi tuổi luýnh quýnh ngoan ngoãn đón nhận chiếc hôn đầu đời vừa kịp tan chảy những cảm xúc yêu đương. Không biết nàng là ai? từ đâu đến? chỉ biết tất cả những gì thuộc về nàng đều khiến tôi mê đắm. Rồi tôi run rẫy nắm tay nàng hỏi nhỏ:
-  Em từ đâu đến nơi này?
-  Dạ, em ở gần đây thôi.
-  Em cũng là sinh viên hả?
-  Dạ em đang theo học múa ba lê ở trường nghệ thuật “ Sao Biển”.
Nàng trả lời rồi đứng lên múa cho tôi xem một trích đoạn. Nàng như con bướm vờn bay bên giòng suối, nhẹ nhàng đậu lên đỉnh bình yên trong lòng tôi.
-  Cũng như anh em rất yêu dòng suối này.
-   Sao em biết anh yêu dòng suối?
-   Em biết chứ vì anh không quan tâm gì khác ngoài nó.
-   Trời ơi, em theo dỏi anh à?
-   Không em đâu cần theo dỏi, có điều gì xảy ra ở đây mà em không biết!
-   Em là thánh sao mà cái gì cũng biết chứ?
-   Gần gần như vậy thôi, em là tiên… là tiên nữ đó anh!
Rồi nàng cười thành tiếng trong trẻo như nước suối.
Chúng tôi đang say sưa, không nhận ra chiều đang xuống dần. Giật mình vì tiếng gọi bất ngờ của lũ bạn, tôi chỉ kịp hỏi tên nàng rồi đành vội vã chia tay, sợ nhất là bị lũ bạn nghịch ngợm bắt gặp…Từ giã nàng mà lòng tôi vô cùng lưu luyến:
“Thời gian ngừng trên những cánh lá bay
  Dáng tiên nga lơi lã khúc nghê thường             
  Ôi giây phút biệt ly sao quá vội!
  Chợt bàng hoàng lạc mất lối thiên thai”
Rời xa giòng suốt nhỏ, tôi như còn vấn vương với mùi cây cỏ, hơi sương chiều bay lên từ đồi núi, bóng dáng nàng mờ khuất cùng những đàn bướm rập rờn trên chùm hoa dại. Lẫn lộn giữa hư hư, thực thực, tôi không biết mình lúc ấy có ngủ mê hay không? Bàng hoàng trở về thành phố, tôi như rớt xuồng từ cõi tiên về lại trần gian để tiếp tục bận bịu chuyện học hành, lận đận với thi cử, sống trong mộng tưởng vu vơ…
Một thời gian sau, tôi đến trường tìm nhưng không có sinh viên nào tên giống nàng. Mơ hồ không biết cô gái kia là ai, người hay tiên nữ? Tôi buồn bã đi vào rừng tìm lại dòng suối nơi xứ Trầm Hương chỉ mong gặp lại nàng, nhưng do chẳng nhớ nỗi vị trí nơi đó nên tìm hoài chẳng thấy và rầu rĩ đọc hai câu thơ cuối:
“Suối thần tiên không tìm thấy nữa rồi?
  Giữa trần thế một cuộc đời nuối tiếc”.
 Trong tâm thức cứ lẫn khuất một dòng suối dịu dàng thanh khiết  đã cho tôi cảm giác thật êm đềm, hạnh phúc. Mỗi khi nhớ về dòng suối tôi lại thấy nhớ nàng, khát khao bờ môi thiên thần đã làm khuynh đảo tuổi hai mươi vô cùng tươi đẹp của tôi.


                                                                                

Friday, May 4, 2012

Quán hát



                      Nguyễn Vũ Anh

Lẫn khuất trong con đường nhỏ, một ngôi nhà cũ nằm giữa vườn lan và những khóm đinh lăng xanh ngắt, dây thằn lằn bò kín tường rào, lác đác hoa tím chen lên những bụi lưỡi mèo tốt tươi, cây vú sữa chỉ còn vài cành trơ trụi giữa đám trầu bà buông mình đong đưa trong gió. Đêm, khi hộp đèn có hình ánh trăng lưỡi liềm trắng sáng lên. Những bước chân đến và đi mỗi ngày nhưng trong vô thức họ để lại dấu vết là những bài hát buồn còn rơi vãi thanh âm trong từng ngóc ngách gian nhà.
Tôi đến quán vào thời khắc nào không rõ, chồng chất những câu chuyện đã vùi lấp trí nhớ. Lần đầu đi tìm một điều gì đó thật mơ hồ, một điều mà tôi không thể gọi tên, chỉ biết trong sự dò dẫm đó tôi được chia sẻ.  Nơi một bình hoa hồng trắng hứng ánh sáng vàng ấm tỏa ra từ những ngọn đèn ở góc phòng, vài tấm bìa nhạc cũ treo trên vách, cây đàn dương cầm đã có từ thời chủ nó còn thiếu nữ, chứng kiến những khoảnh khắc vui buồn đi qua khung cửa, mê say ngân lên những âm thanh. Anh nhạc công say sưa trên phím đàn, tiếng đàn lung linh hơn cả những hình ảnh mà anh nhìn thấy. 
Chị chủ quán bước lên cái bục thấp vừa đủ để gọi là sân khấu phong nền trời xanh thẫm có trăng sao, thường mở đầu chương trình bằng bài “Ô mê ly”, hay “Nghìn trùng xa cách” có khi là “Chán nản” … tùy theo tâm trạng  nhưng khi hát nhạc Phạm Duy, chị có những cảm xúc mãnh liệt và nhận được sự chia sẻ nhiều nhất. Chị là người Huế, tính tình vừa nhẹ nhàng lại vừa sâu sắc, có dịp ngồi nói chuyện với chị sẽ cảm nhận được sự tinh tế thân mật trong từng lời nói, cảm giác ấm lòng. Một nhà thơ vài lần nghe tiếng hát và tiếp xúc với chị đã viết:
     …“Trong lời ca ấy vương vương điệu buồn
Đang là một kẻ tha phương
          Tôi không lạc lỏng trên đường phiêu du
Cầu mong trời sớm sang thu
Xua tan những đám mây mù vờn quanh
Ngồi đây giây phút mong manh
Lời ca bỗng chốc hóa thành lời yêu”
Mỗi người sẽ có một điều để yêu khi đến đây. Riêng thi sĩ có lẽ bằng sự nhạy cảm của mình, ông đã yêu giọng hát ngọt ngào, thanh cao của chị.
Khách đến đây lạ quen những khuôn mặt của nhiều lứa tuổi. Những cặp vợ chồng đam mê ca hát. Tìm đến nơi này để cuộc sống trở nên nhẹ nhàng hơn, hờn giận cũng dễ vơi đi. Có những người trung niên thích hát nhạc xưa, khi quán sáng đèn, là nhìn thấy họ, có người hát vừa xong lại vội vã đi tìm nơi khác. Những người trẻ tuổi tìm ở đó sự đồng cảm trong những bài hát cuồng nhiệt, sốc nổi…Niềm đam mê ca hát thì chẳng ai giống ai. Có khi họ rành về nhạc sĩ, hoàn cảnh sáng tác bài hát, ca sĩ thể hiện, hơn chính bản thân điều đó. Từ những lần đi hát với nhau ấy đã làm mọi người xích lại gần nhau hơn. Dường như trong mỗi tâm hồn cũng vơi đi sự đơn độc cứ đeo đẳng từng ngày. Dù vậy, đôi khi cũng có những hệ lụy sinh ra từ đó, mặc dù không gì đáng kể.
Bên cạnh giàn âm thanh và sau màn hình máy tính là khuôn mặt khả ái của một cô gái. Cô vừa chỉnh nhạc, vừa mở bài cho khách. Một cô con gái nữa của bà chủ dáng thon thon, da ngâm, có chiếc răng khểnh đứng pha chế thức uống cho khách, chốc chốc cô lại khe khẻ hát:  “Mùa dặt dìu , mùa xuân theo én về, mùa bình thường mùa vui nay đã về…”. Cô cháu nhỏ mang kính cận, tóc nâu xinh xắn làm tiếp viên, lâu lâu cũng cất giọng dễ thương dưới bếp. Đêm nào vơi khách, cô chị mới được mời lên hát. Sở trường của cô là những bài tiếng Anh thập niên 70, 80. Cô  này khi hát thì mắt môi cười rạng rỡ, đáng yêu nhưng khi giận lên vẻ mặt “ngầu đời” cũng thật buồn cười. Cha cô lúc nào xuất hiện cũng đường bệ, bắt tay bạn bè, được mời lên thì hớn hở mĩm cười cất giọng hát nhẹ nhàng, trầm ấm…Vì anh hay buồn vui bất chợt nên được mọi người yêu mến tặng cho nghệ danh là “Hoa cẩm chướng”. Hình như cả gia đình này ngoài việc đảm nhiệm công việc trong quán, ai cũng có niềm đam mê ca hát.
Khách thường xuyên đón réveillon, giao thừa tại quán trong không khí tưng bừng, đầm ấm, chụp hình tặng nhau thậm chí còn mang món ngon đến mời mọc như tại chính ngôi nhà của mình… rồi bạn bè, rồi thân nhau, thành người yêu, thành vợ chồng...kết nối đến những cuộc vui khác. Âm nhạc ở mỗi người được biểu hiện theo một sắc thái riêng hòa thành một tổng phổ phong phú, chứa đựng tất cả những mỹ cảm và sự dị biệt. Sân khấu quán hát dường như cũng chính là xã hội thu nhỏ với đầy đủ sự “ hỷ, nộ, ái, ố” giống như cuộc đời đang sống.
Mỗi bước chân đến đây nhiều lúc thong dong vui vẻ, đôi khi mệt mỏi nặng nề. Họ cũng dọ dẫm đi tìm điều gì đó trong tình yêu văn nghệ theo cách của mình. Thế giới nội tâm, thẫm mỹ phong phú phản ánh qua cách thể hiện của từng người. Nhiều phong cách điềm đạm, chừng mực thể hiện bài hát truyền cảm, sâu lắng có thể đã chạm nhẹ đến trái tim của người nghe, nhưng thỉnh thoảng cũng bắt gặp những biểu hiện phô trương, huyên náo hay muốn trở thành cái bóng của người khác… gợn lên như những hạt sạn. Đôi khi biểu hiện là sự đau khổ, tức tưởi hát lên trong cơn mê cuồng, tuyệt vọng … bỗng thấy xót xa, tội nghiệp. Bên cạnh những giọng ca viên mãn, đầy lạc quan cũng có những giọng ca còn ưu phiền, đa đoan…Hạnh phúc hân hoan, hòa lẫn với tiếng thở dài, thổn thức, vừa xa xăm, vừa gần gủi trên từng cung bậc cảm xúc, khắc lên những dấu tích rất riêng trong mỗi tâm hồn, mỗi cá thể khi cất lên tiếng hát.
Không gian dường như chậm lại, không vút qua như những lúc sống một mình trong vô thức. Quán chìm lắng giữa những nhạc phẩm của “một thời vang bóng”, làm sống lại những ký ức đã bị khuất lập bởi thời gian.