Nguyễn
Vũ Anh
Lẫn khuất trong
con đường nhỏ, một ngôi nhà cũ nằm giữa vườn lan và những khóm đinh lăng xanh
ngắt, dây thằn lằn bò kín tường rào, lác đác hoa tím chen lên những bụi lưỡi
mèo tốt tươi, cây vú sữa chỉ còn vài cành trơ trụi giữa đám trầu bà buông mình đong
đưa trong gió. Đêm, khi hộp đèn có hình ánh trăng lưỡi liềm trắng sáng lên. Những
bước chân đến và đi mỗi ngày nhưng trong vô thức họ để lại dấu vết là những bài
hát buồn còn rơi vãi thanh âm trong từng ngóc ngách gian nhà.
Tôi đến quán vào
thời khắc nào không rõ, chồng chất những câu chuyện đã vùi lấp trí nhớ. Lần đầu
đi tìm một điều gì đó thật mơ hồ, một điều mà tôi không thể gọi tên, chỉ biết
trong sự dò dẫm đó tôi được chia sẻ. Nơi
một bình hoa hồng trắng hứng ánh sáng vàng ấm tỏa ra từ những ngọn đèn ở góc
phòng, vài tấm bìa nhạc cũ treo trên vách, cây đàn dương cầm đã có từ thời chủ nó
còn thiếu nữ, chứng kiến những khoảnh khắc vui buồn đi qua khung cửa, mê say ngân
lên những âm thanh. Anh nhạc công say sưa trên phím đàn, tiếng đàn lung linh hơn cả những hình ảnh mà anh nhìn thấy.
Chị chủ quán bước
lên cái bục thấp vừa đủ để gọi là sân khấu phong nền trời xanh thẫm có trăng
sao, thường mở đầu chương trình bằng bài “Ô mê ly”, hay “Nghìn trùng xa cách”
có khi là “Chán nản” … tùy theo tâm trạng
nhưng khi hát nhạc Phạm Duy, chị có những cảm xúc mãnh liệt và nhận được
sự chia sẻ nhiều nhất. Chị là người Huế, tính tình vừa nhẹ nhàng lại vừa sâu
sắc, có dịp ngồi nói chuyện với chị sẽ cảm nhận được sự tinh tế thân mật trong
từng lời nói, cảm giác ấm lòng. Một nhà thơ vài lần nghe tiếng hát và tiếp xúc
với chị đã viết:
…“Trong lời ca
ấy vương vương điệu buồn
Đang là một kẻ tha phương
Tôi
không lạc lỏng trên đường phiêu du
Cầu mong trời sớm sang thu
Xua tan những đám mây mù vờn quanh
Ngồi đây giây phút mong manh
Lời ca bỗng chốc hóa thành lời yêu”
Mỗi
người sẽ có một điều để yêu khi đến đây. Riêng thi sĩ có lẽ bằng sự nhạy cảm của
mình, ông đã yêu giọng hát ngọt ngào, thanh cao của chị.
Khách
đến đây lạ quen những khuôn mặt của nhiều lứa tuổi. Những cặp vợ chồng đam mê ca
hát. Tìm đến nơi này để cuộc sống trở nên nhẹ nhàng hơn, hờn giận cũng dễ vơi
đi. Có những người trung niên thích hát nhạc xưa, khi quán sáng đèn, là nhìn
thấy họ, có người hát vừa xong lại vội vã đi tìm nơi khác. Những người trẻ tuổi
tìm ở đó sự đồng cảm trong những bài hát cuồng nhiệt, sốc nổi…Niềm đam mê ca
hát thì chẳng ai giống ai. Có khi họ rành về nhạc sĩ, hoàn cảnh sáng tác bài
hát, ca sĩ thể hiện, hơn chính bản thân điều đó. Từ những lần đi hát với nhau
ấy đã làm mọi người xích lại gần nhau hơn. Dường như trong mỗi tâm hồn cũng vơi
đi sự đơn độc cứ đeo đẳng từng ngày. Dù vậy, đôi khi cũng có những hệ lụy sinh
ra từ đó, mặc dù không gì đáng kể.
Bên cạnh giàn âm
thanh và sau màn hình máy tính là khuôn mặt khả ái của một cô gái. Cô vừa chỉnh
nhạc, vừa mở bài cho khách. Một cô con gái nữa của bà chủ dáng thon thon, da
ngâm, có chiếc răng khểnh đứng pha chế thức uống cho khách, chốc chốc cô lại
khe khẻ hát: “Mùa dặt dìu , mùa xuân
theo én về, mùa bình thường mùa vui nay đã về…”. Cô cháu nhỏ mang kính cận, tóc
nâu xinh xắn làm tiếp viên, lâu lâu cũng cất giọng dễ thương dưới bếp. Đêm nào
vơi khách, cô chị mới được mời lên hát. Sở trường của cô là những bài tiếng Anh
thập niên 70, 80. Cô này khi hát thì mắt
môi cười rạng rỡ, đáng yêu nhưng khi giận lên vẻ mặt “ngầu đời” cũng thật buồn
cười. Cha cô lúc nào xuất hiện cũng đường bệ, bắt tay bạn bè, được mời lên thì hớn
hở mĩm cười cất giọng hát nhẹ nhàng, trầm ấm…Vì anh hay buồn vui bất chợt nên
được mọi người yêu mến tặng cho nghệ danh là “Hoa cẩm chướng”. Hình như cả gia
đình này ngoài việc đảm nhiệm công việc trong quán, ai cũng có niềm đam mê ca
hát.
Khách thường
xuyên đón réveillon, giao thừa tại quán trong không khí tưng bừng, đầm ấm, chụp
hình tặng nhau thậm chí còn mang món ngon đến mời mọc như tại chính ngôi nhà
của mình… rồi bạn bè, rồi thân nhau, thành người yêu, thành vợ chồng...kết nối
đến những cuộc vui khác. Âm nhạc ở mỗi người được biểu hiện theo một sắc thái
riêng hòa thành một tổng phổ phong phú, chứa đựng tất cả những mỹ cảm và sự dị
biệt. Sân khấu quán hát dường như cũng chính là xã hội thu nhỏ với đầy đủ sự “
hỷ, nộ, ái, ố” giống như cuộc đời đang sống.
Mỗi bước chân
đến đây nhiều lúc thong dong vui vẻ, đôi khi mệt mỏi nặng nề. Họ cũng dọ dẫm đi
tìm điều gì đó trong tình yêu văn nghệ theo cách của mình. Thế giới nội tâm, thẫm
mỹ phong phú phản ánh qua cách thể hiện của từng người. Nhiều phong cách điềm
đạm, chừng mực thể hiện bài hát truyền cảm, sâu lắng có thể đã chạm nhẹ đến
trái tim của người nghe, nhưng thỉnh thoảng cũng bắt gặp những biểu hiện phô
trương, huyên náo hay muốn trở thành cái bóng của người khác… gợn lên như những
hạt sạn. Đôi khi biểu hiện là sự đau khổ, tức tưởi hát lên trong cơn mê cuồng,
tuyệt vọng … bỗng thấy xót xa, tội nghiệp. Bên cạnh những giọng ca viên mãn,
đầy lạc quan cũng có những giọng ca còn ưu phiền, đa đoan…Hạnh phúc hân hoan,
hòa lẫn với tiếng thở dài, thổn thức, vừa xa xăm, vừa gần gủi trên từng cung
bậc cảm xúc, khắc lên những dấu tích rất riêng trong mỗi tâm hồn, mỗi cá thể
khi cất lên tiếng hát.
Không gian dường
như chậm lại, không vút qua như những lúc sống một mình trong vô thức. Quán chìm
lắng giữa những nhạc phẩm của “một thời vang bóng”, làm sống lại những ký ức đã
bị khuất lập bởi thời gian.
No comments:
Post a Comment