Nguyễn Vũ Anh
Nhập học trễ nên Thiên Ân không được xếp ở chung
với mấy bạn cùng lớp, mà phải tá túc chỗ chị
đồng hương tên
Thu Ba ở
lớp đào tạo hợp tác cho sinh viên Việt Nam và quốc tế. Một buổi chiều dịu mát, Ân và Thu Ba đang
đứng ở hành lang trên lầu nhìn sinh viên chơi bóng chuyền. Dưới sân có một anh
chàng tóc xoăn nghệ sĩ, đeo kính cận ngước lên nheo nheo mắt chào chị, rồi đi
về phía khu tập thể sinh viên nước ngoài. Từ cái
nhìn ban đầu Ân đã có cảm tình với anh chàng này nên thắc mắc hỏi:
- Ai vậy chị Thu Ba?
- À, đó là anh Thawen
Manivong học lớp chị. Anh ấy học giỏi lắm đó Ân.
- Ủa, ảnh là người Lào hay Cam puchia vậy chị?
- Người Lào em à. Lớp chị có hai anh người
Lào, còn một anh nữa tên Bonjovi hát rất hay!
Trong một buổi liên hoan mừng ngày Quốc khánh ở khu tập thể, Ân được chị Thu Ba giới
thiệu, mấy lần cụng ly, mấy lần nhìn
thấy nụ cười trắng sáng của anh trái tim cô đập rộn ràng không kiểm soát nỗi. Kể từ hôm đó, chẳng hiểu sao anh hay lên phòng
chơi. Thỉnh thoảng ôm đàn dạo cho cô hát mấy bản tình ca nghe rất hòa quyện. Anh được miễn học Anh văn nên giờ đó hay
ghé trò chuyện với Ân. Dần dà tình cảm đến lúc nào chẳng hay? Trong mắt Ân, anh là một thanh niên chững chạc, thông minh sáng sủa và
có hoài bảo, đúng là một mẫu người yêu lý tưởng.
Nghĩ cũng lạ, ở bên
anh, cô luôn thấy vui vẻ, hạnh phúc. Có
lẽ sự tĩnh tại, tính điềm đạm và cử chỉ thương yêu chăm sóc của
anh đã cho cô cảm giác bình
an trong những ngày đầu sống xa nhà. Có lần anh vươn đôi vai
có thể nương tựa, trìu mến bảo:
- Thiên Ân ơi, anh yêu em nhiều lắm.
- Em cũng yêu anh.
- Sau này em thích có mấy đứa con?
- Dạ hai đứa,
con gái giống anh và con trai giống em, mình đổi
cho nhau từng nét
trên khuôn mặt các con.
- Ừ cũng hay đấy!
Anh đi làm lo cho gia đình, em ở nhà chăm sóc con thôi nhé.
- Còn chăm sóc anh nữa chứ!
- Ừ đúng rồi,
em thông minh lắm!
Tiếng anh cười sản khoái âm vang khiến bầy sâm cầm giật mình vỗ cánh bay vút lên cao, làm nước
văng tung tóe. Nép vào lòng anh nhìn mặt hồ mênh mang sương
khói, những con chim màu đen bay
lên bay xuống làm xao động phút giây tĩnh lặng,
yêu đương vây kín. Hồ Tây đẹp quá! Ân thấy yêu sao nơi này, yêu sao một người đến từ một đất nước xa xôi, nói chưa rành tiếng Việt…mà đối xử thật tử tế. Một điều gì đó thật lạ lẫm nhưng cũng rất gần gũi thôi thúc cô khám phá những
điều bí ẩn ở con người này, khám phá tình yêu
trong trái tim này. Ân luôn biết giữ mình trước những cám dỗ của tình yêu và
chưa bao giờ tạo điều kiện cho anh vượt qua ranh giới đó. Ân rất sợ mang tiếng và ý thức rõ cái nhìn khắc khe của nhà trường đối với du học sinh. Anh lớn hơn Ân gần mười tuổi, trước khi sang Việt Nam anh đã học bác sĩ, rồi tu nghiệp ở Hungari
ba năm nên anh rất hiểu biết và từng trãi. Điều gì Ân thắc mắc đều được giải thích một cách cặn kẻ, làm việc gì anh cũng tận tình.
Ân chỉ học tiếng Nga ở Hà Nội hơn một năm rồi sẽ đi học Văn hóa quần chúng ở LêNin Grát – Liên Xô. Có khi thấy người yêu lo lắng nên Ân trấn an:
- Anh yên tâm đi, em đi học bảy năm về sẽ cưới anh mà.
- Ừ anh sẽ gắng đợi. Em à, nếu
sau này anh chết trước thì không biết
sao, nhưng em mà chết trước, anh sẽ hỏa táng rồi mang bình tro về
đặt ở chùa gần nhà nhất. Dặn các con sau này anh qua đời phải nhớ trộn tro hài cốt của mình lại, rãi lên mặt nước Hồ Tây vì nơi
đây lần đầu tiên anh tỏ tình với em có lũ chim ăn rễ nhân sâm này làm chứng.
- Anh nói sao nghe tiểu thuyết ướt át quá vậy!
- Không, anh nói thật lòng đó!
Ân ngồi lặng yên cho anh hôn lên
môi, hôn lên má, vừa dạt dào yêu thương, lại vừa xót xa cho hoàn cảnh của mình... Những giọt nước mắt dự báo cho cuộc chia ly đã lặng lẽ trào ra. Họ quay cuồng ôm ghì nhau dưới ánh trăng thu lấp
lánh xuyên qua kẻ lá, linh láng mặt nước Tây Hồ.
Chỉ còn một tuần nữa trước khi mọi người về quê ở khắp cả nước từ giã người thân rồi chuẩn bị lên
đường, thầy hiệu trưởng triệu tập cả lớp thông báo về tình hình Liên Xô
tan rã nên lớp Nga văn sẽ không thể sang Liên Xô học được… Mọi người ai cũng buồn, bao nhiêu công sức đổ ra hơn một năm ôn thi, học tiếng và văn hóa lịch sử Nga
giờ đã gãy đổ. Anh thuyết phục Ân ở lại Hà Nội học đại học trong nước nhưng cô không chịu vì chỉ còn một năm nữa anh ra trường còn cô phải học tiếp ba năm nữa ở đây một mình, không bạn bè.
Một năm xa nhau họ đã thư từ qua lại rất nhiều. Anh gửi cho người yêu những lời hứa hẹn, những kỷ vật và chiếc áo anh thường mặc, vẫn còn giữ nguyên mùi mồ hôi…Chuẩn bị tốt nghiệp, anh xin vào Sài Gòn thực tập nhưng không được trường chấp nhận. Rồi ngày ra trường cũng đến, anh về lại Lào mà không tìm được cơ hội vào thăm người yêu.
Lá thư đầu tiên anh gửi sau khi về nước thật sự gây sốc với nội dung cha mẹ anh không cho phép
lấy vợ người nước ngoài… hãy coi nhau như anh
em…Ân cầm lá thư mà chân đứng không vững, nước mắt ràng rụa. Đọc đi, đọc lại nhiều lần những dòng chữ chính tay anh viết nhưng cô vẫn không hiểu nỗi. Ý nghĩ bị người yêu lìa bỏ cứ ám ảnh trong đầu, Ân cố tìm
những lý
lẽ để giải thích nhưng không lý do nào thuyết phục và chính đáng. Ngoài phong bì không đề địa chỉ người gửi nên Ân thầm trách người yêu không cho cô nói một lời từ giã, không cho cô một lựa chọn nào khác. Trái tim cô hình như đang
bị đau buốt vì vết thương chưa rõ căn nguyên.
Còn lại một mình với tâm trạng hoang mang nên Ân cứ sống trong hồi tưởng. Ngày ấy, mặc dù không đẹp “sắc nước” nhưng cũng được xem là cô
bé xinh xắn của lớp, hát hay múa giỏi… Anh không thích cô đi lấy cơm hay uống cà phê với mấy anh đồng hương thầm thương trộm nhớ, nhưng Ân vẫn đi để chọc tức. Đến nỗi có lần anh buồn nản rồi uống rượu, học hành sa sút. Thấy vậy, lớp trưởng đến nhờ Ân khuyên can anh
dùm nhưng cô giận dỗi trách: “Ai
bảo ngu dại ráng chịu, yêu mà không tin tưởng thì yêu làm gì!”. Cô cứ giấu kín tình yêu dành cho anh như một
báu vật sợ bị ai đánh cắp. Suy nghĩ của cô bé chỉ ngoài
hai mươi thật đơn giản:“ Anh Thawen là người yêu đầu tiên và sẽ là chồng mình
sau này.” Mặc dù vẫn còn tính trẻ con nhưng cô luôn tin
vào tình cảm của mình và cũng muốn
anh có niềm tin đó. Giờ đây ngẫm nghĩ lại Ân mới giật mình: “Chắc do mình bất cần, ngang bướng khiến anh không hiểu mức độ tình cảm dành cho anh như thế nào?”.
Thời gian xa cách làm tình yêu chân thực như ngọn lửa được thổi bùng lên, không bao giờ tắt. Nó
được nuôi nấng bằng nhớ thương dẫu lâu rồi dường như chỉ còn từ một phía. Lời chia tay đã
rành rành như thế, cô vẫn nuôi mãi chút hy vọng. Có đôi khi Ân thấy anh
trở về như ảo ảnh. Ban đêm, Ân cứ nhỏ to với bóng anh trên vách như người bị “mắc đàng dưới”. Người tình hiển hiện giữa những yêu thương và lòng trắc ẩn, có mặt trong từng thời khắc suy tưởng lẫn thực tại. Tất cả dường như choáng
hết chỗ trong ký ức nồng nàn và cả tâm thức. Người gầy úa hư hao, cô bị thất tình.
Cô thần thánh tình yêu sét đánh. Tình yêu của cô không thể bắt đầu từ tình bạn, hễ yêu ai thì từ cái nhìn đầu tiên đã biết rõ mười mươi rồi. Khi quen biết và hiểu nhau quá thì sẽ không yêu đương được nữa. Ân đã rất thiên vị anh, nên những người đến sau chỉ như hình ảnh mờ nhạt lướt qua, rồi tan nhòa vào một khoảng không nào đó mà thôi. Thế là cô đã thả trôi
bao nhiêu cơ hội để có được một mái ấm gia đình. Tuổi xuân cũng phai dần theo màu tóc, màu
mắt nâu trầm năm xưa…Cô đã lỡ thì.
Đã mấy đời Tổng lãnh sự đi qua, không ai chịu tìm Thawen giúp Ân, theo họ việc tìm một người không biết địa chỉ giữa một đất nước rộng lớn như “mò kim đáy biển”. Ý nghĩ tìm anh thôi
thúc từng ngày, từng giờ. Lần này Ân lại đến Lãnh sự quán, dù chỉ còn
chút hy vọng mong manh, may thay gặp được một anh tên Vardsana, sau khi nhầm lẫn báo tin Thawen Manivong
đã qua đời mới hứa tìm giúp, Ân vui mừng khôn xiết…Một hôm, anh gọi điện nhờ đưa giúp con gái của một chị bạn Lào đang học ở Việt Nam đi
khám bệnh, Ân đã vui vẻ nhận lời. Lần đầu tiên gặp Khaohorm, Ân cảm tình ngay với vẻ mặt như thiên thần của cô bé mười bốn tuổi này. Sau đó Ân thường đến chở Khaohorm đi chữa bệnh bằng xe máy cho đến khi bình phục. Thỉnh thoảng cô lại đến
thăm và mang theo bánh mì hay cơm hộp cho Khaohorm và ba bạn người Lào ở cùng. Nhìn chúng ăn
cơm ngon lành như bị bỏ đói lâu ngày, Ân cảm thấy chạnh lòng. Chứng kiến cảnh sống tập thể, cô ái ngại: “không biết cha mẹ cô bé nghĩ thế nào mà cho con đi học xa
xôi, ăn uống thiếu thốn và ở trong môi trường mất vệ sinh như vậy…”. Tình cảm dần dần nẩy sinh giữa họ. Các em gọi Ân là cô giáo vì mỗi khi đến thăm, Ân hay mặc áo dài đi làm về. Tuần nào Ân đến trễ, các em lại ra vào mong ngóng. Niềm hạnh phúc tuy giản đơn nhưng nó cũng làm cô ấm lòng hơn khi được chăm sóc những cô bé Lào này.
Nhân dịp mẹ của Khaohorm sang Việt Nam, Ân được mời đến lãnh sự quán để gặp mặt. Không hiểu nhân vật này là ai, quan trọng như thế nào, mà Vardsana dặn dò rất kỹ lưỡng: “Mỗi khi đi đâu cùng cô Champa chị phải cẩn thận đi phía ngoài để che chắn cho cô ấy. Không hỏi nhiều quá, chỉ nên nói những gì cần thiết mà thôi! Cô ấy sẽ là người có
thể tìm ra Thawen
Manivong cho chị đấy”. Hai mẹ con có cùng một khuôn mặt nên rất dễ thiện cảm. Ngân cùng cô và các cháu đi ăn uống, dạo chơi vài nơi ở Sài Gòn. Trước sự cởi mở và thông thạo tiếng Việt của cô Champa, Ân đã kể lại chuyện tình của mình, cung cấp những thông ít ỏi về người yêu để cô tìm giúp. Cũng từ lần ấy, cô Champa mang con và ba cháu gái về nước theo lời khuyên của Ân.
Mỗi lần có dịp đi Hà Nội, Ân đều ra ngồi một mình bên Hồ Tây, nhìn những
bóng sâm cầm màu đen lưng xám lững thững bên mép nước, bất chợt những giọt nước mắt lại âm ấm rơi xuống. Ân nói chuyện với chỗ anh ngồi: “Đợi chờ anh, em cũng đỏ mắt, vàng môi như lũ chim rồi. Để được gặp lại một nụ cười và ánh mắt của anh, em có thể đánh
đổi mấy năm sống của đời mình. Nước mắt em sắp cạn, nhưng tình yêu dành cho anh vẫn đong đầy…Khoảng trống anh để lại quá lớn lấn át cả niềm vui em chắt
chiu từng ngày…”. Có lần không kiềm nén được, cô kêu lên trong bóng đêm tĩnh lặng: “Thawen ơi, Anh đang ở nơi đâu? Có biết là
em nhớ anh lắm không?”. Không có tiếng trả lời, chỉ nghe những tiếng vọng tạo nên những âm thoa tan vào không
gian. Mặt hồ gợn sóng lăng tăng và bầy chim ngại ngùng tung cánh
kêu xao
xác rồi bay đi về cõi xa mờ.
Một tuần sau
khi về nước, cô Champa thông báo đã tìm ra tông tích người ấy:
- Thawen của Ân bây giờ đã
có vợ, một con, làm chức lớn, là vụ trưởng trong Bộ Y tế Lào…
- Vậy hả chị? Em cũng mừng
cho ảnh, biết ảnh còn sống và thành đạt là em vui rồi.
- Em mà sang Lào chị sẽ tạo điều kiện cho em gặp ảnh.
Bao nhiêu mâu thuẫn lại ùa về khiến Ân lẫn lộn giữa những cảm giác vui buồn. Một sự xáo trộn thật lạ lùng trước những thói quen thường nhật, chỉ biết có một chuyển biến nào đó trong tâm trí rất khó nhận diện, mơ hồ như sự rạn vỡ, hụt hẫng xen
lẫn với mừng vui, nhưng vẫn không làm
vơi đi ý tưởng hội ngộ.
Cây ngọc lan người yêu tặng, Ân mang từ Hà Nội về trồng trước sân, những chiếc lá rụng xuống chồng chất thêm thời gian xa nhau. Mỗi
khi buồn Ân lượm một chiếc xâu lại, đã mười mấy năm rồi nó đã chất đầy một cái kho nhỏ…Cô ngần ngừ mang ra đốt cùng với những kỷ vật, chỉ giữ lại chiếc áo đã bị ố vàng bọc kỹ trong giấy kiếng.
Sau một tháng chuẩn bị, mặc dù gia đình cố khuyên can, nhưng Ân vẫn quyết tâm đi tìm anh. Ngồi trên tàu, cô vẫn còn nghe văng vẵng tiếng mẹ rền rĩ: “Con nhỏ này sao khờ quá,
ai nói gì cũng tin, một mình nơi xứ người con phải cẩn thận không khéo là bị bỏ bùa mê, lừa hết sạch tiền nhé!” Ân đã tìm hiểu kỹ lộ trình, tới Đà Nẵng, Ân phải đón xe đò để sang Lào. Khi xe qua Lăng Cô, Nghe phụ lái bảo dừng lại để đón sinh viên Lào về quê
nghỉ hè, Ân mừng lắm nên xin cho ngồi gần cô bé để kết giao. Trước khi qua Vientiane xe dừng lại nghỉ đêm ở cửa khẩu Lao Bảo, hai cô cháu cùng ăn cơm và ở chung một phòng trọ. Đêm ấy, trong căn phòng lạnh lẽo đầy âm khí, nằm chiếc giường mốc meo, Ân trằn trọc mãi mới làm dạn hỏi cô bạn đường lúc nào cũng ôm khư khư con gấu bông:
- Ketsana ơi, chị sợ ma quá! Em cho chị qua
nằm chung với em nghe?
- Dạ, chị qua đây nằm đi, em cũng sợ nữa.
Cô bé nhanh nhẫu đáp.
Không hiểu sao Ân có cảm giác như thân quen với
Ketsana từ lâu và cô bé cũng
thấy vậy, nên chẳng mấy chốc hai người đã nép vào nhau chìm
sâu vào giấc ngủ. Khi xe đến Vientiane, Ketsana được ba mang xe hơi ra đón, khi xe vòng qua
chỗ Ân đứng đợi, cô bé đã dừng lại mời Ân về nhà nhưng cô từ chối. Thấy lo
nên cô bé đã đưa danh thiếp của bố cho Ân. Đứng một mình giữa xứ người, Ân dường như cũng cảm thấy bớt đơn độc trước tấm lòng của cha con Ketsana. May quá! không lâu sau, có xe của người quen anh Vardsana tới, Ân
được đưa đếnkhách
sạn 5 sao thật sang trọng. Ân không quên báo ngay cho Ketsana yên tâm. Ngồi trong căn phòng tiện nghi lộng lẫy từ nhỏ đến lớn mới thấy, Ân bàng hoàng như một giấc chiêm bao. Niềm vui bỗng dưng hiện hữu thật rõ ràng: không phải vì
sự tráng lệ của nơi này làm tâm trạng phấn chấn mà vì giờ đây cô đang đứng
trên đất nước của anh Thawen, nơi đây anh đang sống
và làm việc. Trong gang tất, được ở cùng anh dưới một bầu trời, khoan khoái thở cùng
anh một bầu không khí. Chẳng biết vì chuyến đi vất vả hay niềm vui nhen lên trong lòng mà cô đã có một giấc ngủ ngon lành không một
chút mộng mị dưới tấm chăn thơm.
Tiếng chuông điện thoại reo vang khi Ân còn đang nửa mơ nửa tĩnh. Tiếp tân báo: “Thưa cô, cô chuẩn bị diện kiến Bà Champa.” Ân cũng ngạc nhiên không ngờ cô Champa đến sớm như vậy. Nhưng điều làm Ân ngạc nhiên hơn cả khi bước ra khỏi phòng cùng cô Champa, Ân thấy
nhân viên khách sạn xếp thành hai hàng dài giữa là thảm đỏ, tay chắp trước ngực chào hai người thật trang trọng, xuống khỏi bậc tam cấp của tiền sảnh có cận vệ mở cửa xe sẵn mời hai người bước lên.
Nghi thức lễ tân như đón tiếp nguyên thủ quốc gia. Toàn thân như
run lên, lòng Ân bồi hồi khó tả. Bao nhiêu điều thắc mắc về cô Champa cứ dồn dập trong đầu khiến Ân cứ lơ lửng như đi trên
mây: “Cô Champa làm chức gì
lớn lắm sao mà bao nhiêu người
kính cẩn, nghênh tiếp? “
Sau khi đưa Ân cùng cô bé Khaohorm đi ăn sáng
và thăm thú vài nơi, cô Champa dò hỏi ý Ân:
- Em muốn điều gì khi đến Viêng Chăn?
- Dạ, được đến đây thăm chị và
cháu, được đi chơi là em vui rồi?
Ân cố dấu ước muốn cháy bỏng được gặp anh Thawen của mình. Nhưng dường như đọc được suy nghĩ đó, cô Champa ngỏ lời:
- Em có muốn gặp mặt anh Thawen Manivong không?
Trong phòng tiệc, người ta đặt một chậu lan hổ điệp có mấy chục ngòng màu trắng tím giữa bàn.
Dưới ánh sáng vàng ấm của chiếc đèn chùm pha lê láp lánh, Ân ngồi đợi anh đến. Bên cạnh sự hồi hợp của Ân có sự lo lắng của hai mẹ con cô Champa:
- Khi gặp anh ta, em sẽ nói
thế nào?
- Em cũng chưa biết nữa chị à, nhưng chắc sẽ nói là đã lập
gia đình và có hai con.
- Không, em không được nói như thế, phải nói sự thật để anh ta hiểu được bao năm qua em đã đau khổ chờ đợi anh ta như thế nào? Nhưng em phải hứa với chị: Điều thứ nhất tuyệt đối không được trách oán gì cả. Điều thứ hai là không được khóc!
- Chị ơi, điều thứ nhất em sẽ làm được nhưng điều thứ hai em chưa
dám hứa, vì lúc đó em không hiểu cảm xúc mình thế nào nữa?
- Em phải cố gắng giữ bình tĩnh và nói hết những điều mình muốn nói!
Khi anh bước vào, trái tim Ân như muốn ngừng đập: “Thawen đây rồi. Anh đã già đi theo
thời gian nhưng còn vẻ nhiệt huyết và sinh động năm xưa của anh đâu?” Anh hướng cái nhìn nặng trĩu, mừng vui xen lẫn gượng gạo về phía Ân. Bao lâu nay, Ân luôn ấp ủ hình ảnh cũ, nuôi dưỡng hình ảnh đó để nó lớn lên và già đi, nhưng không hình
dung thực tế lại khập khiễng đến như vậy. Một khoảng trống vô hình nào đó đã chiếm chỗ trong ký ức vốn đã điêu tàn, Ân thấy đầu óc trống rỗng đến tội nghiệp.
Anh nói tiếng Việt ngập ngừng lơ lớ:
- Thiên Ân phải không?
- Dạ em đây.
- Nghe Champa nói có một người bạn cũ người Việt Nam qua muốn gặp… nhưng thật sự… anh không thể ngờ là em.
- Ở đâu em cũng tìm ra
anh hết, đã nói rồi mà.
- Ừ, bây giờ em sống ra sao?
- Dạ, cũng tốt anh ạ.
- Có mấy cháu rồi?
- Dạ, em chưa lập gia đình.
- Sao vậy Ân?
- Dạ…dạ em…
Ánh mắt Thawen vô cùng ngạc
nhiên và bối rối… những ngón tay miết lên mặt bàn trắng bệch…Khuôn mặt phút chốc như bị méo xệch, ánh mắt tối sầm lại…Chỉ hỏi thế rồi anh chẳng nói thêm được gì, ím thính như đang ngậm hột thị. Còn Ân cũng chỉ ngồi cuối mặt, cảm giác nhưcó lỗi khi nói ra tình cảnh của mình. Thật kỳ lạ, sao lúc này cô
không thể khóc được, cứ trơ trơ như một phiến đá? Biết ý, cô Champa về trước cùng với con gái, tạo điều kiện cho hai người nói chuyện riêng với nhau. Bây giờ anh mới lấy can đảm bước đến bên Ân, nắm tay cô thì thầm:
- Anh xin lỗi… xin lỗi em.
Lúc này Ân như con ốc mượn hồn chui ra khỏi vỏ, mạnh dạn hỏi anh điều lâu nay vẫn trăn trở:
- Anh phải nói cho em biết,
vì sao rời bỏ em?
- Em có nhận được thư anh nói gia đình… cha mẹ không đồng
ý...?
- Dạ có... Em có nhận lá
thư ấy, nhưng dù đọc cả trăm lần cũng không lý giải được vì sao anh có thể lìa
bỏ em dễ dàng như vậy. Lý do anh đưa ra
không thuyết phục được em…sao anh cũng không
cho em bất cứ chọn lựa nào khác. Em ức lắm, không biết mình đã làm gì để phải chịu như vậy!?
- Ân ơi, anh biết anh có lỗi với em nhưng không
ngờ đã làm em khổ nhiều đến thế… Bây giờ nói đi, anh phải làm gì để bù
đắp những thiệt thòi mà em đã gánh chịu…
Không hiểu từ ngữ ở đâu tuôn ra khiến Ân nói năng rất mạch lạc:
- Đừng xin lỗi em, vì anh chẳng có lỗi gì cả, chỉ tại em ngu dại tin vào một người không còn yêu thương mình, chờ đợi một điều gì đó thật viễn vông, xa vời…
Anh nói sẽ bù đắp cho em ư? Làm
sao anh có thể trả lại cho em mười bảy năm tuổi xuân, mười bảy năm không ngớt nhớ thương một người, khóc hết nước mắt cho một cuộc tình…
Nói đến đây những giọt nước mắt của cô lăn dài như mưa trên má. Anh cũng òa
theo mếu máo như trẻ con:
- Năm đó, sau khi về nước, anh lại sang Philiping học
thêm ba năm nữa. Một phần cha mẹ anh cương
quyết quá; Một phần vì mãi mê theo đuổi công danh sự nghiệp
nên anh đã để lạc mất em… cứ ngỡ rồi em sẽ quên anh mà đi lấy chồng… Ai ngờ… Thật tình bao lâu nay anh vẫn luôn ray rức mỗi khi nghĩ đến
em…Anh cũng nhớ em lắm!
Nghe anh nói, sóng gió
trong lòng Ân cũng dịu xuống. Câu
chuyện bỗng dưng ngưng đọng lại. Trong
khoảnh khắc ấy, hai người dường như đã thấu hiểu những gì trước đây rất mơ hồ và rối rắm… Nhìn anh, Ân chợt hiểu ra trên bước đường chạy theo danh vọng anh đã bỏ quên một điều thật quý giá. Ân
cũng thấy mình có lỗi vì đã không chứng minh được tình yêu của cô dành cho anh lớn lao như thế nào? Tình yêu ấy
trong suốt, thuần khiết và sâu đậm nhưng không có tiếng nói chung của hai người. Trái tim không đủ lý lẽ để thuyết phục anh sống chết với nó. Anh có vẻ bớt căng thẳng vì thấy Ân đã bình tĩnh trở lại và tươi tắn hơn. Bây giờ cô nhìn kỹ anh hơn: Mái tóc gợn sóng bồng bềnh đã điểm bạc; Đôi mắt mí lót ngày nào giờ đã
hằn lên vẻ thâm sâu sau làn kính cận dầy hơn; Anh ăn mặc sang trọng nhưng dường như vẫn không che lấp nỗi dấu vết thời gian…
Trên đường đưa Ân về khách sạn anh cho biết cô Champa chính là
vợ của anh, Ân bỗng thấy như vừa được giải thoát khỏi những gông cùm đã đeo mang suốt bấy lâu. Những
gút mắc dần dần tự tháo bỏ. Giờ đây, Ân đã gặp anh, tận mắt thấy anh sống bình an và
thành đạt. Trong cô mọi điều trở nên sáng
rõ, tình yêu cũng bắt đầu chuyển sang một giai đoạn khác. Ân sẽ đóng lại những ngăn dành để yêu anh và sẽ mở ra những ngăn mới đựng tình thương, sự quan tâm, chăm sóc của một đứa em
gái, của một người bạn tri kỷ…
Mười ngày ở Lào, cô Champa khá
bận rộn, còn cha con Ketsana ngày nào cũng đến đưa Ân đi chơi khắp nơi, thăm nhiều chùa chiền và thưởng thức những món ăn dân dã…Ân đã
bị bỏ bùa mê trước cuộc sống êm đềm, thiên nhiên thơ mộng và con người hiền hòa ở đất nước Triệu Voi này.
Từ đó đến
nay, Ân đã sáu lần trở lại Vientiane nhưng lần nào cũng đều được đi máy bay hạng sang do cô Champa tài trợ. Ân
không còn ở khách sạn mà được mời về sống trong dinh thự nguy nga của cô Champa như người thân trong gia đình và cũng quen dần với sự có mặt của những vệ sĩ. Ân được gặp gỡ và dùng cơm với gia đình nhỏ của anh Thawen trong bầu
không khí thật đầm ấm thân tình, còn được cùng anh chị đi Thái Lan nghỉ mát.
Dạo này, sức khỏe Thawen khá
lên, trông anh có da có thịt hơn. Đôi khi cô bắt gặp ánh mắt ngày xưa của anh nhìn mình và thấy lòng rộn vui….Ngày cưới của Khaohorm, cô bé nhất định đòi cô Ân phải ngồi cùng trên chiếc xe đón dâu đến nơi tiến hành hôn lễ. Mỗi lần sang thăm Ân đều gặp gỡ ba cô bạn học cũ của Khaohorm và dành ra một
ngày để đi chơi với Ketsana. Cô bé mê thú
nhồi bông ngày ấy, bây giờ đã trở thành
luật sư nhưng vẫn dành thời gian để chơi với hai đứa con xinh xắn của mình. Mỗi lần đặt chân đến Lào, Ân như trở về nhà, có một tình cảm nào đó rất lạ nó đã vượt qua biên giới của một lãnh thổ. Đất nước của anh Thawen cũng đón Ân
với tất cả những dung dị và xa hoa của nó nhưng luôn đọng lại một tình cảm sâu sắc và bao dung. Còn người bạn lớn mãi đến sau này Ân mới biết vào thời điểm mới quen, cô Champa là Phó chủ tịch Quốc hội Lào. Bây giờ cô đang giữ chức Chủ tịch. Ân quý trọng kính nể cô
Champa không những vì tấm chân tình của một người chị kết nghĩa nhân hậu mà còn ở sự bình dị chu đáo hiếm có của một vị lãnh đạo quốc gia. Mối
thâm tình này, Ân luôn gìn giữ và trân trọng. Có lần cô
Champa ngồi bên cạnh ân cần nói với Ân:
- Căn phòng này luôn để dành cho em, bây giờ và
sau này bất cứ lúc nào em muốn
sang đây ở luôn, chị đều chào đón em cả, nhớ nhé!
- Dạ, em cảm ơn chị, Bây giờ em rất bằng lòng với hiện tại và cảm thấy hạnh phúc …chị đã làm cho cuộc đời em trở nên có ý nghĩa. Em
luôn ghi nhớ tình cảm của chị…
- Vì yêu một người Lào mà em khốn đốn như vậy chị phải thương em chứ!
Trong tim Ân bây giờ ngoài Việt Nam, còn có một quê hương khác đó là đất nước Lào, đất nước của cô Champa, của các cháu thân thương…Ân không còn cảm thấy cô độc trong cuộc hành trình đi về phía
trước.
Nghe kể chuyện cô Champa gợi ý sang Lào ở, mẹ Ân rất cảm động:
- Thiên Ân à, sau này dẫu có nhắm mắt mẹ cũng an lòng vì con cũng đã có một chốn để tìm về... Con thấy đó, Ông Trời đâu lấy đi của ai điều gì mà không bù đắp!
Ân mỉm cười nhìn qua song cửa, ánh nắng xanh tươi lấp loáng dưới vòm lá tháng mười. Mùa này là mùa hoa ngọc lan bắt đầu nở rộ, những nụ trắng ngà xinh xắn nằm e ấp sau đám lá xanh non. Nhiều nụ đã xòe ra những
cách trắng mảnh mai, khoe cái nhụy nhọn nhọn có những nhị vàng lúp xúp chung
quanh. Mùi hương thanh tao bay theo
gió, trong suốt và thuần khiết như tình yêu của Ân. Mùi thơm ấy bay lên, tỏa ra trên từng nhành lá trong khoảnh vườn nhỏ trước sân, bay lên bầu trời, len lỏi vào những mảng ký ức xa xôi, hiện hữu trong tình yêu tưởng
đã tàn úa, nhưng không, tình yêu đó vừa được hồi sinh cùng với cỏ cây và vạn vật… làm nên những chuyện tình tuyệt đẹp, kết tinh thành những dư vị ngọt ngào cho cuộc đời.
No comments:
Post a Comment