Saturday, December 29, 2012

Giật mình tỉnh thức



Buổi sáng trở mình thức giấc
Không gian im vắng nhẹ nhàng
Chỉ nghe từ xa vọng lại
Tiếng con gà gáy rang rang

Thành phố cũng có tiếng chim
Phố phường không thiếu tiếng gà
Làm sao tìm lại kỷ niệm
Những ngày thơ ấu đã qua?

Quê xưa con đò chìm mất
Cây cầu đã gãy từ lâu                            
Giờ đây bạn bè khuất lấp
Ngôi trường ngân tiếng ve sầu

Xa xôi đi tìm manh áo
Chén cơm lơ lửng trong đầu
Nhớ thương làm sao về kịp
Mẹ cha giờ ở nơi đâu?

Vàng phai khung trời tha thiết
Chân mây nuối tiếc tuổi hồng
Tóc xanh ngày nào đã úa
Còn gì đâu nữa mà mong?

Sớm mai giật mình tỉnh thức
Thì ra đang ở quê mình
Tiếng xuồng đuôi tôm náo nức
Cuộc đời bỗng chốc hồi sinh

Thursday, December 27, 2012

Mơ làm người




Thương cho cái kiếp cá kèo
Bị người ta nướng cong queo lửa hồng
Tươi mươi vùng vẫy thinh không
Ném vào nồi lẫu phiêu bồng xác thân

Biết bao hồ rộng suối sâu
Sao đem thả cá chảo dầu lăng tăng?
Nghe kinh nó khấn nguyện rằng:
- Xin làm người để được ăn… cá kèo!?

Sunday, December 23, 2012

Noel ơi Noel…!




       Thân tặng bạn Đinh Văn Hòa

Nơi vương cung thánh đường
Trong ngày bạn thành hôn
Tôi đựợc làm rễ phụ
Dù chân đau gối mỏi
Vẫn ráng quỳ đó thôi
Gắng nghe lời thuyết giảng
Dẫu đức tin mơ hồ
Noel ơi Noel…!

Bạn đã cho ra đời
Một cậu bé khôi ngô
Mười tám Noel qua
Cửa đại học vừa mở
Cho con bạn bước vào
Bạn vội bỏ ra đi
Vì một mùa giông bão
Noel ơi Noel…!

Tôi quỳ trước tượng Chúa
Cầu chúc bạn an nhiên
Con của bạn ngoan hiền
Biết rèn luyện nên người
Sáng đức tin, hướng thiện
Nơi ấy bạn an tâm
Nở nụ cười mãn nguyện
Noel ơi Noel…!

Chào Giáng Sinh - Năm Mới
Sáng ngời mắt trẻ thơ
Ngơ ngác đón nhận quà
Bên cây thông biết nói
Có đôi tay biết đi
Cùng sóng sánh nâng ly
Từng nụ cười chắp cánh
Noel ơi Noel…!

Từ xa xôi vọng về
Tiếng nói cười của bạn
và vài người đã khuất
Hình ảnh đêm Giáng sinh
Của những năm về trước
Được tái hiện ngọt ngào
làm xôn xao ký ức…
Noel ơi Noel…!

Những linh hồn dìu nhau
Thần tiên trong khúc nhạc
Lấp lánh ngàn bông tuyết
Lấp lánh giọt đầy vơi
Chuông nhà thờ vang rền
Bài thánh ca ngân lên
Trong mênh mông thương mến
Noel ơi Noel…!

Saturday, December 22, 2012

Từ biệt tiếng hát vấn vương thời áo trắng




Chúng ta vừa từ giã một giọng ca vàng của Việt Nam - ca sĩ Duy Quang đã đi vào thế giới bên kia (trước ngày 21/12). Một chất giọng mộc mạc nhưng tinh tế, sang trọng nhưng cũng rất sinh viên với những bài hát của một thời cắp sách đến trường: Trả lại em yêu, Con đường tình ta đi, Em hiền như Ma Soeur, Ngày xưa Hòang Thị, Này cô em Bắc kỳ nho nhỏ...đặc biệt do chính ba anh - Nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác. Làm sao mà nói hết những nhạc phẩm anh đã trình bày. Chỉ biết giọng ca ngọt ngào mang đậm chất ngũ cung rất quê hương của anh không lẫn vào đâu được, sẽ mãi mãi đi vào lòng người trên từng cung bậc của cảm xúc, trên từng thời khắc thưởng thức để có thể cảm nhận được thêm chất hội họa và chất nghệ sĩ trong anh. Tôi không dám nói nhiều vì biết bao nhiêu người ái mộ có lẽ đã hiểu và biết anh nhiều hơn tôi. Nhưng trong niềm tiếc thương trước sự ra đi đột ngột của người ca sĩ tài hoa này, tôi mạn phép viết lên những lời chia sẻ và gởi đến các bạn một bài hát tuổi học trò của nhạc sĩ Vũ Hòang phổ thơ Đỗ Trung Quân mà anh đã thể hiện thật hay và buồn như một dự cảm: "Cánh phượng hồng ngẩn ngơ Mùa Hè đến trường khắc nỗi nhớ lên cây và mùa sau biết có còn gặp lại, ngày khai trường áo lụa gió Thu bay..." Các bạn nghe để hồi tưởng giọng hát đã làm ngẩn ngơ cả một thời áo trắng của nhiều thế hệ. Chào từ biệt anh, từ biệt " Một kiếp đam mê"... Chắc hẳn anh đã tìm thấy và nằm xuống yên nghỉ bên cội Đào ở Động Hoa Vàng để những người còn ở lại "...khóc ta xin nhỏ lệ vào thiên thu..."

http://youtu.be/iYHlLFzAp5I

Friday, December 21, 2012

Em đã rời xa anh



Anh biết sáng nay có người xa thành phố
Cơn mưa lạ bất ngờ đổ xuống công viên
Một con ngựa điên thẩn thờ giữa phố chợ
Vẫn bước đi nhưng không biết về đâu
Chờ mấy lời chào qua tin nhắn
Hay đợi nghe tiếng thỏ thẻ trên phôn?
Hướng về phía chân trời tìm tia nắng 
Chộn rộn đôi tay hiu hắt giữa mùa 
Những ngón già nua ôm vòng thân thể
Không còn bồng bế đôi bờ cong hoan hỉ
Thèm cái vuốt ve làn thu thủy mặt hồ
Đem cảm hứng tô ngũ cung câu hát
Nghe tiếng phi cơ kêu lên giữa bầu trời
Như giông tố kéo về làm rụng rơi mưa gió
Khung cửa chơi vơi đong đưa cánh
Va đập những mảnh tường tâm trí khơi vơi
Em đã đi rồi … để lại một mình tôi
Đứng giữa ngã năm lòng tả tơi mấy lối
Biết là sẽ đợi ngày dài tháng rộng
Để được gặp nụ cười quá đổi mênh mông
Nắm bàn tay bồi hồi ấm nóng
Sờ lại làn da thơm hường trái mận
Siết chặt vòng eo trắc ẩn giàu lòng
Chập bờ môi thần thánh dâng hương
Cứu rỗi nhớ nhung hoắn đổi dặm trường
Hỏi vướng bận cuộc đời còn được bao lâu?
Xa cách mấy đại dương mơ bắt cầu Ô Thước

Thursday, December 20, 2012

Ta không cùng


                                                        Thân tặng CT.
Em ơi!
Ta mệt nhòai trên trăm năm
Ta mệt nhòai nghe hư không
về đâu?
Không còn nghe tiếng gió vút qua
Không còn nghe tiếng nói thiết tha
                                    rời xa!
Dấu vết để lại trên ngón tay
Dấu vết để lại trên mắt môi
                                    tàn phai!
Cho đi nhớ nhung một thời
Cho đi những dấu yêu cuộc tình
                                    điêu linh…
Sao vẫn còn đây những khát khao?
Sao vẫn còn đây những đớn đau
                                    muộn phiền?
Một cuộc đời có ta lặng lẽ
Một cuộc đời có em cô đơn
                                    buồn tênh!
Em đi vào tâm linh đạo
Ta đi vào cõi thực đời
                                    không cùng
Em ơi!

Tuesday, December 11, 2012

Thung lũng hoa trắng



  

   Đà Lạt bắt đầu mùa Giáng Sinh có không khí lành lạnh, dịu mát và mang dáng vẻ của một thiếu nữ đoan chính. Những bụi marguerite cứ xanh thẫm những thân lá, trắng muốt những tràng hoa, cứ vàng rực lên những cái nhụy tròn hứng lấy ánh nắng yếu ớt. Hoa nở trắng suốt triền dốc dẫn xuống một ngôi biệt thự bằng gỗ với lối kiến trúc của Nhật được sửa thành nhà trọ. Ở đó có một con chó berger sủa rất to và hay săm soi khách. Ngôi nhà xinh xắn nằm giữa một đất trũng nhỏ mọc toàn hoa giản dị ấy trên những thảm cỏ xanh, lát đát có những cục đá tròn nhấp nhô. Chiều chiều những thiếu nữ mười tám đôi tóc dài tha thướt tản bộ trong ấy như một bầy thiên sứ dạo chơi giữa vườn địa đàng làm nên một bức tranh thơ mộng. Mấy cậu sinh viên thường xuyên qua lại “thung lũng hoa trắng” ghé mắt vào vườn chiêm ngưỡng. Bà chủ nhà trọ là một góa phụ khét tiếng dữ dằn, khắc nghiệt không ưa mấy thằng con trai hay nhậu nhẹt phá phách, hoang đàng nên không cho bất cứ đứa nào được ở trọ. Bà thay mặt phụ huynh chăn dắt bầy con gái rất kỹ, suốt ngày canh giữ lũ trai tơ ngấp nghé “mấy con cừu non” nhà bà.
    Hai thằng bạn thân cùng tên Tâm đến dự một bữa tiệc réveillon do mấy cô trọ trong ngôi nhà này tổ chức. Chúng ngồi bệt dưới đất xung quanh một tấm nylon hình chữ nhật trải giữa  phòng sảnh nhà. Chính giữa “bàn tiệc” được đặt một bình hoa dại (chắc mấy em hái bên vệ đường mang về) nào là dã quỳ vàng, hoa hồng tường vi, bồ công anh, bông cỏ lấm chấm trắng xòe ra (không rõ tên). Ánh sáng vàng pha những mảng xanh đỏ hồng tím tỏa ra từ những chiếc lồng đèn hình ngôi sao treo khắp căn phòng. Loại lồng đèn phổ biến và dễ làm nhất với nhiều kiểu trang trí hoa văn khác nhau này nhưng hôm nay trông chúng thật lung linh và ấm áp. Những cây đèn cày đủ màu được thắp lên ở giữa bánh trái, làm rực hồng những khuôn mặt trẻ trung đứa lớn nhất cũng chỉ vừa bước qua tuổi hai mươi. Hớn hở nhìn mâm cỗ với bao nhiêu bánh trái, thức ăn bình dị vừa túi tiền sinh viên mà niềm vui cứ ngất ngưỡng. Ngoài hai thằng ấy,  có vài  sinh viên nam khác được mời, còn lại là toàn “thiên nga” và “vịt trời” . Trong góc phòng  có dựng một hang đá làm bằng giấy bao xi măng được phết màu xám xanh lên, ở giữa lót rơm, thắp đèn hồng, đặt lúp xúp tượng Chúa hài đồng và mấy con cừu bằng thạch cao. Phía sau là một cây thông ba lá nhỏ (chắc được chặt ở rừng thông mang về) được kết lên nhiều vật trang trí xinh xắn, giăng đèn màu láp lánh.
Trong khóa Công nghệ thông tin của trường, hai sinh viên này đều thuộc hàng học khá nhưng Thành Tâm trội hơn một tí vì có vẻ người lớn, hay thích mặc cái áo “phông” của không quân bụi bụi, hay ôm đàn nghêu ngao mấy bài của Phú Quang, giọng Huế ngọt ngào pha chút nắng gió Buôn Mê. Bảo Tâm thì nói giọng Bắc cũng pha chút Miền Nam nên nghe cũng lạ lạ, nhưng có vóc dáng cao ngông nghênh bất cần tuổi mới lớn, ăn mặc theo kiểu Hàn Quốc, Iphone lúc nào cũng không chịu nằm yên trong túi. Nó lập trình rất nhanh, giải thuật thuộc như cháo nhuyễn, nhưng suốt ngày cứ ngồi quán cà phê phì phèo thuốc lá và đắm mình trong tiệm internet .
Hôm nay Thành Tâm được xếp ngồi gần một em còn học phổ thông tên Kim Thương đang học 11 từ Bảo Lộc lên trọ cùng với cô em mới lớp 10. Sau khi môt em lí nhí tuyên bố “khai mạc”, Thành Tâm với tay ôm lấy cây đàn guitare. Có vài lời đề nghị thốt lên: “ “Điều giản dị” đi Thành Tâm”. Chàng trai tóc rẻ năm mươi năm mươi giống diễn viên Hồng Kông Quách Phú Thành cất tiếng hát trầm ấm: “ Dịu dàng hạt nắng đùa nhẹ trên áo đồi môi em. Đôi môi môi em hồng bao khát khao mắt em vời vợi đăm đắm trời cao. Em mong manh tựa rừng cây trút sợi lá gió chiều bỗng chợt xao xuyến khôn nguôi…”
Nhiều ánh mắt con gái hướng đến nó với cái nhìn “mê tơi”, ngây ngất uống cạn từng lời hát, nhưng nó chỉ hướng cái nhìn vào cô bé ngồi bên cạnh, gảy đàn thánh thót hơn và giọng hát bay bổng hơn. Nghe Kim Thương và Thành Tâm song ca bài “Em và tôi” mới cảm thấy nhức nhối làm sao! Tiếng ca du dương của Kim Thương phần điệp khúc có vài giọng bè hòa thanh thật dầy: “Có tiếng hát ai như cơn gió mát giọt lệ nào là giòng suối trong veo hay là tôi đang ở trong em đó, nhưng tim em về ngủ trong tim tôi cách xa đâu là lãng quên để nhớ thương nhuộm hồng trái tim  Bảo Tâm là fan của Noo Phước Thịnh nên góp vui bằng ca khúc “Mất em” hơi vụng về. Đang hứng chí, bỗng dưng bà chủ có biệt danh “Góa phụ mặt lạnh“ chạy vào nhắc nhở: ”Đúng chín giờ là bọn con trai phải biến ra khỏi nơi đây hết”. “- Dạ Noel cho mươi giờ đi cô!” “ - Không!”
Một buổi tối Noel xa nhà thật ấm cúng, ăn vài miếng bánh có trộn kem mứt dâu, nhấm nháp món mì gói xào thịt, uống thứ rượu “Minh Mạng” mười mấy ngàn một lít, mà cứ ngỡ ngồi trong hoàng cung có cung tầng mỹ nữ kề bên, ngất ngây trong tiếng nhạc. Nghiệm ra mới thấy mọi người gọi là Bé Thương rất đúng vì lúc nào đôi má cô cũng bầu bĩnh và đỏ hay hay, còn cái miệng cười chúm chím như hoa sắp nở. Đêm nay, mới thực sự là lần đầu tiên hai đứa nhìn mê mệt cô bé có mái tóc thề dày mượt, có đôi mắt tròn to và hàng mi thẳng dài mà suốt những ngày qua chúng cứ bàn tán. Đứa thì nói là mắt nai, đứa thì bảo là mắt bò…Đôi mắt có điều gì thật bí ẩn, đam mê và buồn man mác như nước hồ Than Thở. Để ai có tơ tưởng phải bật ra tiếng thở dài, thốt lên: “Không biết mình có xứng với nàng không?”
Qua Mùa Đông ấy, nghe đồn mất mấy tuần theo nàng lên tận nhà thờ Con Gà xem lễ Thành Tâm mới “cưa đổ” Kim Thương... Không hiểu sao Thành Tâm lúc nào đến chơi với bé Thương cũng đi cùng với Bảo Tâm. Thỉnh thoảng hai đứa còn mang mấy cái xí quách lượm ở quán phở tới cho con chó nên lần lần nó cũng quen hơi không thèm sủa, mà còn vẫy đuôi mừng khi chúng tới chơi.  Gặp nhua, chúng huyên thuyên những chuyện không đâu của tuổi sinh viên “trẻ người non dạ”, lâu lâu mới nói vài câu riêng tư đắm đuối.
…Một hôm thấy Thành Tâm ngồi bần thần cầm mấy tấm hình nó chụp trong studio với Bé Thương vẻ mặt buồn rười rượi, thằng bạn cùng phòng tra gạn:
-  Mày giận bé Thương hả?
- Không tao chia tay nó rồi, suốt ngày cứ hờn giận khóc lóc mệt lắm! Tao không hợp với tính nhõng nhẽo của nó.
- Mày cầm hình ra định xé hả? cho tao đi!
- Không tao mới giật lại vì nó đòi đốt…con nhỏ này cũng ngang bướng lắm.
- Tụi mày yêu nhau cho lắm vào rồi cắn nhau cho thật đau nhé. Vài hôm rồi lại quên ngay thôi mà. Chuyện giận rồi làm lành như cơm bữa của tụi mày tao còn lạ gì, hơi đâu mà dính vô cho rắc rối.
Thằng bảo Tâm nãy giờ nằm im trên giường tầng nói vọng xuống:
 - Mày hết với nó thôi để tao nhảy vô “cưa” nhé!
-       Ừ mày cưa đi thằng cu, nhát gái như quỷ mà bày đặt.
-       Té ra lâu nay mày vẫn đi theo canh me nó chờ cơ hội để nhảy vào hả, thằng kia? Thằng bạn hỏi chêm vào
Nó rống cổ lên cãi:
-       Tao cũng có tán tỉnh Kim Thanh em nó nhưng con nhỏ đó con nít quá nói chuyện nghe trớt quớt à, thua xa Bé Thương, ha.ha…
Nói rồi nó giả bộ đang vuốt râu, vỗ tay cười đắc ý:
 -     Cơ hội ngàn năm có một mà tại hạ đâu thể bỏ qua!
-       Trời ơi bó tay chấm com cái thằng này.
Không hiểu sao kể từ đó Thành Tâm không đến ngôi nhà trọ của Kim Thương nữa mà chỉ còn Bảo Tâm đến. Nó ra sức chinh phục cho bằng được cô bé tuổi teen này. Mặc cho sự quản giáo chặt chẻ, nó vẫn hẹn hò với bé Thương đi chơi ở ngoài đi cả thác Datanla và thậm chí khi cô em ngủ say nó còn nhảy qua hàng rào, mua chuộc con KiKi để vào phòng, chui tọt vào giừơng của Bé Thương ngủ cho tới gần sáng mới mò về.
-       Ê mày chui vào xó nào mà giờ về nằm ngủ như chết vậy. Mày không đi học là thầy cấm thi nghe con.
-       Mệt mày quá! thì mày hô có mặt điểm danh dùm tao.
-       Ổng nhớ mặt tao và cảnh cáo tao rồi nên kỳ này không thể giúp mày nữa, mày dậy đi học đi! Thành Tâm nhanh tay kéo phăng cái mền làm lòi ra thân hình gầy tong chỉ mặc mỗi cái quần sì của nó đang co quắp.
-       Mày có để tao ngủ không, lèm bèm hoài như mấy mụ vậy ! Không cho thi lần này tao thi lần khác. Cóc sợ lão ấy! Nó vẫn cố “bám trụ” tới cùng.
Nhìn quanh thấy sinh viên yêu nhau thuê nhà “sống thử” nhiều như rạ, nhưng lúc ấy không ai nghĩ được chuyện thằng Bảo Tâm trẻ con ham chơi như thế mà dám làm “tên trộm thành Bagda . Kết quả nó bị thi lại vấn đáp môn đồ họa lẫn môn đồ thị vì cùng một thầy dạy mà nó hay cúp học và thêm vài môn nữa. Nó cũng mê bé Thương nhưng cũng mê Võ Lâm truyền kỳ không kém, trong tay nó bây giờ nhiều vũ khi lợi hại, làm bá chủ xứ sở Hoa Anh Đào này. Mấy lần bé Thương hẹn nó đến quán cà phê ở Ngã Năm đại học nhưng đang mãi mê online cùng “huynh đệ” nên cho cô nàng “leo cây”. Mùa hè về, mỗi đứa gói gém ít quần áo về quê xả hơi, nó nấn ná thêm một tuần mặc sức chơi game và đánh bida, cha mẹ gọi điện kêu réo mấy lần mới chịu về.
Kim Thương thấy có gì đó thật khác lạ cứ thấy mệt mỏi và thở hổn hễn những khi bước xuống những bậc thềm đá dẫn xuống thung lũng. Cô bé chóng mặt muốn té và không thấy kinh nguyệt mấy tháng nay, nhìn món gì có cá là buồn nôn khó tả. Nhưng cô bé không biết điều gì đang xảy ra với mình cả. Đến trước hôm Bảo Tâm về quê Kim Thương cũng không biết nói sao… Cứ im lặng ngồi khóc, thấy cảnh Bảo Tâm mê chơi quên ăn quên học nên cô bé cũng không muốn nói. Cô bé mơ hồ nhận thấy có cục gì đó cụ cựa trong bụng nhưng không chắc. Cuối cùng, không biết bằng cách nào nó tìm được một thầy lang. Ông ấy khám bụng, bắt mạch rồi lắc đầu bảo:
-       Muốn bỏ hả?
-       Dạ bỏ gì ạ?
-       Bỏ gì á? đã tới đây rồi mà còn hỏi, đi ra đi để tôi khám người khác.
-       Dạ bác nói rõ hơn cho con biết được không ạ.
-       Thai lớn lắm rồi trục ra mệt lắm đó! Còn đi học hả?...ừ thôi bỏ đi!
Lấy của nó mấy trăm ngàn, ông không hỏi gì thêm rồi đưa cho nó hai gói thuốc bảo:
-       Hơn hai tháng rồi rất nguy hiểm, suy nghĩ cho kỹ rồi hẵn uống…không thì đem liệng thuốc. Còn uống thì uống gói màu vàng trước cho thai bong ra, sau bốn mươi tám tiếng uống tiếp gói xanh, sau đó theo dõi mà không tống thai ra được thì vô bệnh viện liền. Tôi không chịu trách nhiệm đâu nhé!
-       …?!
Thương thẫn thờ đi về nhà trọ, xuống con dốc của thung lũng rồi bị vấp té, lăn mấy vòng ngồi dậy vẫn cầm hai gói thuốc, nhìn vệt máu loang ra từ đủng quần cô bé sợ hãi khóc. Lết vào phòng ngồi thở, hình ảnh cha hiện ra với vẻ mặt nghiêm trọng răn đe: “ Tụi bây lên Đà Lạt mà không lo học, vác cái bụng chửa về là chết nghe con”. Cô bé thầm nghĩ: “Em Thanh đi học rồi, chứ không để nó biết càng khổ. Mình không thể vừa mang bầu vừa đi học, nhất là không thể để ba mẹ biết được…” Thế là nó bấm bụng mở ra gói màu vàng. Trước khi uống nó cúi xuống nói chuyện với cái bụng: “ Mẹ xin lỗi con, vì con chưa được chào đời mà đã bị mẹ lấy đi sự sống mẹ có tội nặng lắm con tha thứ cho mẹ nhé…”. Lấy một thau nước ấm lau người cho sạch vết máu rồi lên nằm im trên giường chỉ mười mấy phút sau người đã sốt hâm hấp rồi có cảm giác ớn lạnh, đứa bé trong bụng quẫy đạp, rồi nó lại nằm im, thai nhi gò lên rất cao ở giữa bụng tạo nên cảm giác đau tức khó tả… Lúc này cơn đau lại tăng lên gấp bội, nó đau như đau đẻ rồi lại thiếp đi khi lắng dịu. Suốt đêm đó nó vật lộn với cái thai, thuốc cố tách đứa bé ra khỏi cơ thể đẩy nó ra ngoài, cảm giác nôn nao móc rặn cứ dâng lên nhưng vẫn không làm được. Dường như đứa bé cứ túm lấy ruột gan nó không chịu buông. Đến gần sáng nó đau đến cắn nát môi và kêu rên dữ dội em nó mới giật mình hốt hoảng ôm chị nhưng không dừng lại được nữa “nếu em bé không chịu ra mà cứ làm cho nó đau đớn như thế chắc mình sẽ chết mất”. Nghĩ dại như vậy, nó vội vàng vớ lấy gói thuốc thứ hai uống nốt. Nó mê man chìm trong giấc chiêm bao… Một nhóm mặc đồ đen như người dơi trông rất dữ tợn vây quanh, trong khi nó nằm co ro sợ sệt, bất ngờ bị mũi giày đá thốc vào bụng và có tiếng quát to:
-       Bắt con nhỏ này đi !
-       Đừng bắt tôi đi ô uế lắm! tôi mới bị hư thai. Nó bảo.
-       Bị hư thai hay mày phá hả?
-       Dạ, tôi uống thuốc ...
-       Vậy mày tự giết con ư?
-       Dạ…tôi có tội.
-       Mày nghĩ sao mà làm vậy?
-       Nhưng tôi còn phải đi học chưa thể sinh con bây giờ được.
-       Vô lý. Bắt lấy nó!
 Một tấm lưới đem ngòm nặng nề phủ xuống đầu, nó cố vẫy vùng nhưng không thoát được…
Vừa đi bắt nồi cháo quay lại đã thấy chị mê man tàn tịch, cô em không biết đầu đuôi gì nên cứ ngỡ chị nó tự tử. Lúc ấy khu nhà trọ vắng tanh sinh viên đi học hết, còn bà chủ đi chợ. Con bé vừa leo, vừa bò, chạy ra ngoài đường mới kêu được người bồng đi bệnh viện. Đến nơi chị nó đã kiệt sức. Bệnh viện mỗ cấp cứu nhưng Kim Thương không qua khỏi. Gia đình đến bệnh viện xem bệnh án mới biết nó phá thai bị tử vong vì chửa ngoài dạ con, nhiễm trùng, băng huyết và suy kiệt, nhưng câu chuyện về cô con gái nhỏ vẫn còn rất mơ hồ. Trong lòng họ lẫn lộn giữa cảm giác đau khổ, thương xót và sự hoang man tức giận.
   Sau khi nghỉ Hè lên chưa biết mô tê gì, Thành Tâm vừa leo xuống khỏi xe honda ôm trước nhà trọ đã bị đánh tới tấp. Hỏi ra mới biết họ nhầm nó với Bảo Tâm - Thằng sinh viên làm cho con người ta mang bầu. Thành Tâm mặt sưng vù nhưng cũng không cầm được nước mắt khi nghe chuyện của Bé Thương. Còn thằng Bảo Tâm mặc dù biết tin muộn nhưng cũng kịp chuyển chỗ ở để tránh “bão”. Ngày nào khi đi học nó cũng đội nón lụp xụp, đeo khẩu trang che kín mặt, cũng không ai nhìn thấy những giọt nước mắt của nó sau miếng khẩu trang ấy. Nghe kể, có lúc nó đã liều mạng mò xuống Bảo Lộc tìm đến ngôi mộ của Bé Thương khóc tỉ tê, chẳng biết nó nói gì, hứa gì mà sau đó đã thay đổi nhiều: Bỏ chơi game, chăm chỉ học hành và đầm tính hơn. Thỉnh thoảng người ta thấy nó tóc dài, râu ria lởm chởm lang thang qua “thung lũng hoa trắng” chắc lưỡi như con thằng lằn rồi lẩm bẩm điệp khúc “Chỉ mình anh đau”: “Em còn điều gì mà chưa nói thành lời? Em làm cuộc đời anh phải chới với, cứ thế mất nhau…một mình anh phải đi lang lang,… chỉ mình anh phải đau thôi sao? Xa rồi…Xa rồi…sẽ không còn, sẽ mãi không còn!...”
Khu vườn có ngôi nhà trọ dưới thung lũng bây giờ bị rào kín hơn, tăng cường thêm một con berger nữa và thêm một quy định mới là không được tiếp bạn trai tại phòng. Nơi đây trở thành một thung lũng hoang vắng, những bông hoa trắng marguerite đã chết đi khi mùa hè qua. Trong khu vườn chỉ còn bóng dáng thiếu nữ ra vào khép nép, im ắng như mấy nữ tu. Không biết “Góa phụ mặt lạnh” có giữ nỗi “bầy con bà Âu Cơ” tránh khỏi vòng khổ lụy trước những cám dỗ đang bủa vây từng ngày.