Thursday, July 21, 2011

Mây thu


Chị tôi ra đời khi cha mẹ tôi còn trong vùng kháng chiến. Mới một hai tuổi chị đã phải chơi đùa một mình với đống gạo đổ ra giữa nhà. Không hiểu vì đói bụng hay nghịch ngợm, chị tôi đã ăn gạo sống đến sình bụng, khiến mẹ tôi phải một phen hú vía vì chị bị bội thực thở không nỗi. Có lần mẹ tôi kể cha tôi lên tận đồi cát tìm củi về nấu, mẹ lên gọi cha về làm dép lốp Bình Trị Thiên cho khách. Cũng may vừa tìm thấy cha tôi đúng lúc cả hai nghe tiếng máy bay từ xa vọng lại. Cha mẹ tôi hốt hoảng chaỵ về vừa kịp bế chị nhảy xuống hầm trú ẩn, là nghe tiếng bom nổ chát chua trên đầu. Chị đã khóc thét trong cơn sợ hãi đến tím người. Có cô bé hàng xóm, miệng còn đang ăn dở miếng kẹo đậu phộng đã chết ngồi ngay miệng hầm vì không kịp chui vào tránh bom na-pan . Nhà tôi bị cháy sạch không còn một cái chén ăn cơm.
Chiến tranh đã mấy lần làm cho gia đình tôi nhà tan, cửa nát. Cha mẹ tôi ngồi khóc trước đống hoang tàn, rồi hôm sau lại bắt đầu tạo dựng lại từ hai bàn tay trắng. Năm bảy tám tuổi chị đã bắt đầu đi chợ giúp mẹ, chị xách cái giỏ muốn cao bằng người mình, cứ gồng mình về một phía mới tha nỗi cái giỏ về nhà. Con người nơi đây cũng như bao nhiêu cây cỏ, cháy rồi nhưng năm ba tháng sau vẫn nẩy lên những chồi non mới. Sức sống ấy nhưng bất diệt trong vùng đất luôn bị bom đạn cày xới này.
Cả gia đình tôi ai cũng bị sốt rét, da chị vàng ệch như da con chàng hiu. Tóc tai chị cứ rụng dần như con bù nhìn rơm đứng canh ruộng. Mẹ tôi ôm cái hình hài gầy yếu xác xơ của chị vào lòng nước mắt rơi còn chị cứ ngơ ngác hỏi: “ Sao mẹ khóc vậy mẹ?”. Rồi có lần chị bị sốt nhưng người cứ rét run mẹ tôi gói chị thật kỹ trong chiếc khăn và ôm chặt vào lòng mà người chị run lên bàn bật. Mẹ tôi tim nhói đau vì sợ chị không qua khỏi …đúng vào khoảnh khắc ấy lòng mẹ tự nhủ: “ Mây ơi! con sẽ mãi là đứa con mẹ yêu quý nhất!”.
Khi cha mẹ tôi về vùng tạm chiếm, chị cũng đã gần mười tuổi và ở đây một thời gian chị bắt đầu thay da đổi thịt. Căn bệnh sốt rét lúc trước cũng theo thời gian buông tha chị. Tóc chị mọc dài ra và  khuôn mặt ngày càng xinh xắn. Khi có sức khoẻ, chị bắt đầu thích chạy nhảy ca hát, và bỗng dưng ai cũng nhận ra chị có giọng hát rất hay. Tiếng hát trong vắt như tiếng con chim họa mi vẫn thường lãnh lót ở trong đám gai dại quanh nhà. Chị diễn tả một cách hồn nhiên theo cảm nhận trẻ thơ. Chị được rất nhiều người ái mộ. Lúc ấy chưa có truyền hình như bây giờ để bắt chước các cô ca sĩ…nhưng dần dà với năng khiếu bẩm sinh, chị đã thành một mầm non văn nghệ. Các đoàn ca nhạc hay cải lương về diễn trong làng chị đều được tham gia tiết mục ca sĩ thần đồng mở màn. Có lần cha tôi đã lặn lội xe đạp gần hai mươi cây số từ Mũi Né về Phan Thiết để mua cho chị chiếc áo đầm mới đi biểu diễn.
Khi chị  học lên trung học nhà tôi đã chuyển về Phan Thiết. Cha tôi xin được một chân thư ký ở tòa Tỉnh và thuê một ngôi nhà ở đường Huyền Trân Công Chúa. Nhà tôi nằm giữa một khu vườn dừa xanh ngát nhưng nghe đồn nổi tiếng nhiều ma. May thay chẳng thấy ma, chỉ tối ngủ như có ai lấy cọng cỏ quơ quơ lên mặt rất nhột. Trong vườn, người ta trồng những luồng hành, rau húng quế, xà lách, cải rổ… bên cạnh còn trồng nhiều luống Mồng Gà, Vạn Thọ. Những cây lẻ bạn, Huệ Lan, hoa Móng Tay được viền dọc các lối đi. Hoa Đuôi Chồn, hoa Củ Tỏi trồng hai bên lang cang cứ như quấn quít dưới chân mình. Chị còn trồng thêm những bụi hoa vi-ô –lét xinh xinh. Trong vườn còn có hai cái ao nhỏ, mọc những cây hoa chuối nước ven bờ, những cụm lá dứa cứ tỏa hương thơm ngát, nhưng chị thích nhất có lẻ là nhiều con cua màu tím với chiếc càng thật to cứ thổi bọt khí liên tục ngay mép nước, và những con cá nòng nọc đầu tròn, có cái đuôi bé xíu thật dễ thương… 
Chiến tranh đã lùi dần vào quá khứ, bây giờ chị Mây áo trắng tung bay mỗi chiều tan học, mái tóc dài óng ả như tơ huyền. Chị đã thành một thiếu nữ xinh đẹp, hát hay nổi tiếng ở trường Phan Bội Châu. Trong một đêm văn nghệ ở trường ,chị hát bài “Mùa xuân đầu tiên” của Nhạc sĩ Văn Cao với cảm xúc dâng trào như mùa xuân đầu tiên của chính cuộc đời chị…khiến cả trường mê tơi.  Rồi tình yêu đã đến với chị. Chị yêu anh học hơn hai lớp. Anh giỏi văn chương, rất có duyên , nước da ngâm đen và nụ cười rạng rỡ. Tình yêu nhẹ nhàng như những cánh hoa bâng khuâng trong khu vườn. Hai người  thường hẹn ra bãi biển tâm tình có lần  anh khẻ khàng nắm lấy tay chị nhưng bỗng từ đâu dưới nước ngoi lên một cái đầu húi cua và cái mồm hét to của anh trai tôi: “Em thấy rồi nghen, em về méc ba cho chị coi!” Thế là anh giật mình thả tay chị ra…
 Xong một học kỳ của năm mười hai, anh đã xung phong đi bộ đội. Chiến tranh biên giới Tây Nam, làm dấy lên một làn sóng học sinh, sinh viên xung phong ra trận, những lá thư được viết bằng máu để thể hiện quyết tâm chiến đấu một mất một còn với kẻ thù. Anh đã ra đi và để lại một lời ước hẹn “ Chờ anh nghe em, anh sẽ về…” hơn một năm chị vẫn không nhận được lá thư nào của anh. Lá thư đầu tiên từ chiến trường cũng là lá thư của đồng đội cho hay anh bị mất tích…chị như người mất hồn, khóc không thành tiếng. Nhiều người đoán chắc anh đã hy sinh. Rồi thời gian trôi qua, chầm chậm với nỗi đau trong lòng, nhưng dường như vội vàng với người đã khuất… Chị đi lấy chồng. Chồng chị là một công tử trước học trường Tây, giờ đi dân quân tự vệ, làm “Lính kiểng” địa phương.
Đám cưới chị chưa tròn một năm, anh bỗng lù lù quay về. Tả tơi trong màu áo chiến trường, tìm đến ngay ngôi nhà người yêu trong khu vườn cũ. Anh quá mừng vui khi thấy chị đang ngồi cho mẹ gội đầu, chải tóc. Mái tóc dài ngang lưng mà anh yêu quý nhưng  bỗng dưng anh bàng hoàng sửng sốt khi nhận ra dáng chị không còn như ngày xưa, hình như chị sắp làm mẹ…Anh đau đớn thốt ra câu nói: "Chiến tranh không thể cướp đi sinh mạng của anh vì nhờ anh có tình yêu của em, nhưng bây giờ nó đã tàn nhẫn cướp đi tình yêu đầu đời của anh rồi". Chị ngồi đó với hai hàng nước mắt chảy dài, lặng lẻ cúi đầu với một niềm xót xa, nuối tiếc khôn nguôi…
 Từ dạo ấy, chị cất kỷ những bài hát vào ngăn tủ. Tiếng hát ngày xưa giờ là tiếng ru ầu ơi bên cánh nôi. Niềm vui sướng ngày xưa khi thấy cánh hoa trong vườn bắt đầu hé nụ, giờ là niềm hạnh phúc vô ngần khi nhìn cánh môi chúm chím của con thơ mĩm cười.Chị cố quên đi những tan vỡ trong lòng. Người yêu của chị bây giờ phục viên trở thành tài xế xe ngựa. Không biết tình cờ hay hữu ý, anh lại chạy tuyến đường chị đi dạy học Phan Thiết – Phong Nẫm. Cứ ngày ngày đón chị, mời chị lên xe nhưng năm khi mười họa chị mới chịu lên một lần, lên rồi chị ngồi yên không nói … Một thời gian sau, nghe đâu anh đi lập nghiệp ở miệt dưới, Cần thơ hay Vĩnh Long…
Cuộc sống vẫn cứ trôi đi, còn chị chẳng hiểu vì sao? Cứ mỗi khi mùa thu về bỗng dưng thấy buồn da diết, cứ muốn khóc để nhẹ lòng. Chị khẻ hát:
 “Hồn thu tới nơi đây gieo buồn lay, lòng vắng muôn bề không liếp che, gió về.
Ai nức nở thương đời, châu buông mau dương thế bao la sầu…?”(*).
 Tâm hồn chị là những ca từ tao nhã, là những dòng nhạc êm ái  nhưng chồng chị đi theo một hướng khác. Anh ta thực tế đến sòng phẳng, sáo rỗng đến tầm thường. Những gì ban đầu anh ngụy trang cẩn thận bây giờ đã lộ rõ chẳng cần che dấu. Rồi những ngày làm dâu ăn cơm với nước mắt, làm vợ với nỗi xót xa vì người chồng vô trách nhiệm be bét rượu chè, ghen tuông vô cớ hay đánh đập, chị đã thành người héo hắt. Cảm thấy bị dày vò, xúc phạm nặng nề nên nhiều lần chị van xin chồng buông tha cho mình. Mặc dù anh ta không chịu còn hăm dọa, nhưng cuối cùng chị cũng ly dị được và ở vậy nuôi con. Vài năm sau anh ta chết vì ngộ độc rượu.
Còn người yêu cũ, lâu lâu, lại về Phan Thiết, ghé quán vệ đường thăm chị và gửi những dòng thơ anh viết cho chị:
“ Ở nơi đâu và bao giờ cũng thế
Ngọn đèn khi thắp lên làm ấm cõi lòng
Ngày tháng cũ yêu em giờ đã mất.
Sao lòng tôi còn mãi một âm thanh”
Có lúc anh nói với chị nửa đùa, nửa thật:
-     Sao Mây không đi thêm bước nữa?
-          Đi một bước mà mất nửa cuộc đời rồi , chắc đi bước nữa chắc em mất cả cuộc đời luôn quá?
-          Chứ chả lẻ em cứ sống vò vỏ một mình vậy sao?
-          Em nói vui vậy thôi , chứ mình già lớn rồi sắp hết cuộc đời rồi còn gì?
-          Anh về dưới quê lần nào cũng buồn , thấy nhớ em anh lại nhìn mây trắng bay…
-          Anh ơi, mây bay đi không thể nào trở lại, nên đâu có bầu trời nào giống bầu trời nào, làm sao sống lại với khung trời cũ…?
-          ….?!
Rồi như một thoáng gặp nhau trong đời, họ phải tạm biệt những chiều mưa thật ngắn ngủi. Dẫu họ chưa cùng nhau thức với biển đêm dài nhưng cũng có những tiếc nuối khi anh về lại miền Châu Thổ.
Bây giờ chị sống với đứa con gái, buổi sáng chị thường đến với biển như chút  mặt trời thức dậy theo gió trùng khơi xuyên qua cành lá. Mái tóc chị vẫn  còn  dài như dãi nắng vàng trải xuống áo mùa thu. Chị vẫn như tình cờ đến với biển , bên tách cà phê đậm đà, với dáng “Huế Hoàng Cung”, chợt trở nên mông lung hư ảo như thuở nào, để ai đó ngồi bên chị cứ ngỡ bóng mây trời… Đêm đêm chị đổ giọt mồ hôi bên quán vỉa hè, lo toan cuộc sống, thương các con, đứa đi học xa nhà, đứa sắp thành thiếu nữ…Chị hình như chẳng còn hoài mong điều gì cho riêng mình, để anh lại trách chị:
“Không cho nhau hết cuộc đời
Em ngồi để trắng một thời xuân hương…”


(*) Trích nhạc phẩm “ Giọt mưa thu” của NS. Đặng Thế Phong.



No comments:

Post a Comment