Monday, August 15, 2011

Từ khi mất mẹ


Mẹ mất rồi con mới biết mình khánh kiệt
Nghèo tình thương thèm những ân cần
Từ đường thiếu ngọn đèn dầu thắp lên ấm áp
Ngã nghiêng cây huỳnh đàn trụi lá góc sân
Lạnh lẽo mái hiên mảnh vườn thinh lặng
Trái ổi rụng, chín để chim ăn
Bãi phù sa vắng thân cò lặn lội
Sông Mường nhòa tan bóng mẹ xô nghiêng
Chiếc thuyền thúng mồ côi bến bờ đâu không biết?
Lạc lõng cánh diều tuổi thơ ven đê
Từ khi mẹ qua miền hư ảo
Hạt mầm côi cút cố ngoi lên
Chừ cao võng lọng, thừa xiêm áo
Sao lối quê mình chao đảo bước chân con?

Bóng dáng làm tươi cuộc đời




Kính tặng Mẹ

                                                                               
Có lẽ từ thời con gái, mẹ tôi đã thích làm đẹp, nên ở tuổi ngoài bảy mươi, bà vẫn thường xuyên chăm sóc đến “nhan sắc” của mình.
Tóc bà đã bạc trắng nhưng được uốn bồng bềnh, gợn sóng như một đám mây bông . Mỗi khi hay tin chúng tôi ở xa sắp về thăm nhà, bà liền thuê xích lô đến tiệm uốn tóc, gội, hấp, sửa sang lại mái tóc để khi chúng tôi về không cảm thấy bà già cả, tàn tạ.
Móng tay, móng chân bà không để dài nhưng lúc nào cũng được tô màu hồng nhạt trông thật dịu mắt. Bà rất vui khi nghe mấy cô thợ làm móng khen tay, chân mình đẹp. Đôi chân đã một thời không mang guốc dép, thoăn thoát gánh gạo trên đường quê nhưng chưa bao giờ bị chai sạm, nứt nẻ. Giờ đây, sau hai lần bị té, phải đi bằng nạng nhưng mẹ tôi không bi quan, buồn bã ngược lại còn rất yêu đời. Chính niềm lạc quan của bà là niềm hạnh phúc vô cùng của chúng tôi.
 Ngày xưa không biết mẹ tôi đã dùng những loại mỹ phẩm gì ? Nhưng giờ đây, bí quyết làm đẹp của bà rất đơn giản: Chỉ là một thỏi son gió. Mẹ tôi trang điểm thật lẹ làng. Bà đánh son lên môi, chập môi, mím mấy cái là màu môi đỏ đều và đẹp ngay. Kế đến, bà chấm vài chấm trên má rồi lấy tay thoa đều là trở thành “má hồng”. Nhờ có sẵn nước da trắng mịn nên bà chỉ cần  “chấm phá” một chút là “rất duyên” rồi.
Có một hôm, đã hơn chín giờ tối, em gái tôi còn nhìn thấy bà trang điểm nên bảo: “ Ủa, sao giờ này mẹ còn đánh son làm gì nữa?” Mẹ tôi trả lời: “Để mẹ đánh một tí, chứ không nữa đêm, ba con giật mình dậy nhìn thấy mẹ tái méc thì sao ?” Em gái tôi mới kịp hiểu ra, rồi cả hai mẹ con cùng cười.
Mẹ tôi làm đẹp không phải cho riêng mình mà còn để cho mọi người, cho chồng, cho con ngắm nghía. Trong mắt chúng tôi, mẹ tôi lúc nào cũng đẹp và luôn lạc quan, yêu đời. Mẹ như một bà tiên tóc bạc hiền từ  và mãi mãi là “Bóng dáng làm tươi cuộc đời!”.    

Saturday, August 13, 2011

Hội ngộ và chia ly


Khu vực đón khách đến của Sân bay Tân Sơn Nhất như nhộn nhịp hẳn lên, mọi người đang tập trung tại cửa ra vào mong ngóng tìm người thân, tìm bạn bè hay đón hành khách từ nhiều nước trở về. Có người phát hiện thân nhân còn đang làm thủ tục bên trong đã reo mừng, chỉ cho nhau. Khi khách lũ lượt từ trong đẩy hành lý bước ra. Có người gặp người thân… đã chạy đến ôm chầm, có người chui qua rào cản phụ đẩy hành lý …  Cùng với những cái ôm thân ái, những bàn tay siết chặt, là những nụ cười xen lẫn với những giọt nước mắt nhưng trong giây phút này những cảm xúc đó thật ý nghĩa và dễ cảm thông biết bao…Mai Trâm đứng giữa không gian rộng lớn âm vang tiếng nói, tiếng reo vui, tiếng guốc dép lao xao khua trên nền gạch bóng loáng nhưng đầu óc cô cứ lâng lâng, hầu như chẳng cần quan tâm đến điều gì khác, ngoài việc cứ bước lui bước tới như muốn đến thật gần khoảnh khắc được gặp mặt cha lần đầu tiên kể từ khi cô cất tiếng khóc chào đời.
Chờ đã gần cả tiếng đồng hồ nhưng không thấy bóng cha đâu, lòng cô thấp thỏm lo âu: “Không biết bố có về không nhỉ?”. Từ nhỏ Trâm cứ nghĩ mình mồ côi cha, không như những đứa trẻ có đầy đủ cha mẹ, từ rất sớm Trâm đã có thói quen tự làm nhiều việc từ học hành đến chăm sóc bản thân… Ngôi trường tiểu học khá xa nhưng ngày nào Trâm cũng xách một cái cặp táp rất nặng chứa đủ thứ sách vở dụng cụ học tập…cô bé vừa đi vừa nhẫm cửu chương: “Hai lần một là hai, hai lần hai là bốn…”, có khi lại thả hồn theo những con chuồn chuồn ớt màu đỏ bay là đà trên những bụi cỏ đuôi gà mọc ven đường. Cô tự đi và tự về hầu như chưa bao giờ được ai đưa đón, có năm may mắn được học cùng buổi với chị thì được đi về chung nhưng lại phải xách thêm một cái cặp nữa vì chị hay nhờ. Khi bắt đầu cảm nhận, Trâm đã thắc mắc nên hỏi mẹ: 
- Sao nhà mình chỉ con là mang họ mẹ,  không được mang họ cha như hai chị hả mẹ? 
Mẹ cô phân trần: 
- Do con khó nuôi nên phải đặt như vậy con à. Chứ không có gì đâu, lo học đi đừng thắc   mắc nữa nhé!
Dù vậy cô bé vẫn thấy có điều gì đó thật khó hiểu: “Sao mình không có bệnh gì cả, lúc nào cũng ăn nhiều, mau lớn…nhanh nhẹn nữa nhưng mẹ lại bảo khó nuôi cơ chứ, lạ quá!”. Từ nhỏ Trâm đã ý thức rất rõ vị trí của mình trong gia đình, cô không dám cậy là con út để nhõng nhẽo mà cứ nhanh nhẫu như một “tiểu nhị”, hai chị hay bắt Trâm làm việc này làm việc kia trong khi họ rãnh rang ngồi chơi hay đang ăn món gì. Trong nhà ai lạc mất cái gì cũng sai Trâm đi tìm, thường bị hai chị la mắng vô cớ nên cô bé ức lắm. Chỉ có mẹ đối xử công bằng thậm chí có hơi thiên vị cô một chút, nhưng khổ nỗi mẹ lại bận bịu với quán bánh ướt suốt ngày nên hai bà chị vẫn có thời gian để ăn hiếp Trâm. Chẳng biết than thở cùng ai nên cô bé thường ra tâm sự cùng con ba ba bé xíu ở cái khạp nước trong veo, đôi khi còn nhỏ từ đôi mắt xuống cánh bèo hoa dâu những giọt lăn tròn sáng bóng như giọt thủy ngân cho đám cá bảy màu đốp lấy.

Hơn hai mươi năm gần như chỉ những cơn gió hè hanh hao thổi qua, nhưng thỉnh thoảng cũng có mưa rào làm nảy mầm đám hạt đậu ngậm hai lá mầm vàng nhạt non tơ, mọc lên những thân giá trắng ngần, rồi lớn thành cây đậu xanh có nhiều chùm trái. Trâm đã lớn, cô học năm cuối đại học sư phạm, sắp trở thành một cô giáo dạy tiếng Anh.
Một hôm, cô được mẹ dẫn đi gặp Linh mục trong giáo xứ. Trâm hồi hợp không biết chuyện gì, nhìn vẻ mặt hơi căng thẳng của mẹ nên cô hơi lo lắng nhưng không dám hỏi, Cha Nhân cười thân thiện rồi tầng ngần một lúc mới vào đề:
-            Trâm à, con cũng đủ lớn rồi. Nếu có một thay đổi gì đó trong cuộc đời mình con cũng nên bình thản chấp nhận. Con không cùng cha với các chị con… cha ruột của con còn sống và hiện đang định cư ở nước ngoài…
-            Sao cha biết được ạ? Trâm run run hỏi giọng muốn đứt quãng.
-            Mẹ con đã kể hết tất cả cho cha nghe, sẵn cha có nhiều người bạn sống bên Mỹ nên nhờ họ tìm giúp. Bố con đã nói chuyện với cha qua điện thoại và xin phép được về Việt Nam để gặp mặt mẹ con con.
Vâng, thưa cha. Trâm quay nhìn mẹ xem phản ứng thế nào nhưng bắt gặp trong ánh nhìn của bà le lói chút ánh sáng và trên đôi môi nghiêm nghị phản phất một nụ cười tán thành nên Trâm đã tin. Hai chân cô như không còn đứng vững, sự việc này đến với Trâm quá bất ngờ nên cô bàng hoàng, vui buồn lẫn lộn.
Lâu nay Trâm cứ ngỡ mình mô côi bất ngờ lại có cha. Một xáo trộn ngoài sức tưởng tượng đã chi phối hoàn toàn tâm trí của Trâm. Nghe mẹ kể chuyện, Trâm không hề oán trách cha điều gì. Trong lòng cô chỉ tràn ngập một tình cảm thật thiêng liêng, từ khi còn bé cô đã ước ao được cha cõng đi chơi, tập chạy xe đạp… Lớn hơn cô ước ao được cha chờ đón trước cổng trường rồi chở cô đi dạo một vòng phố, mua cho một cây cà rem… Từ hôm nghe cha Nhân nói, đêm nào cô cũng thao thức thả vào trong bóng tối những hạt ngọc trai lăn dài trên má phát sáng và có vị mặn, cùng lời thì thầm: “Bố sắp về rồi! Con yêu bố!” …
Tiếng phát thanh viên hàng không thông báo: “Máy bay của hãng Cathay Pacific đã hạ cánh”, Trâm giật mình trở về với thực tại.
Cho đến khi một ông cụ người phương phi, tóc hớt cao bạc trắng, đeo kính lão đẩy chiếc xe chất đầy hành lý qua cửa, Mai Trâm mới thở phào nhẹ nhõm và reo lên:  
- Mẹ ơi, bố  kìa… bố đang đẩy xe ra đó. 
Mặc dù chỉ mới nhìn qua ảnh cũ mẹ giữ nhưng dường như có một sợi dây vô hình nào đó giúp cô nhận ra cha ngay. Mẹ cô vừa xúc động, vừa hồi hộp  chờ đợi: “Không biết cha con cha nó gặp gỡ nhau như thế nào đây?”. Cô lao đến ôm cha và không muốn buông ra cảm giác như  sợ cha có thể biến mất. Hạnh phúc đến với cô bất ngờ như một giấc mơ, dẫu đang cười mà vẫn rơi nước mắt. Trên  khóe mắt cha cũng ngân ngấn nước. Lạ thật bỗng dưng cô nhận ra khuôn mặt cha cô giống y hệt khuôn mặt ông già Noel mà năm nào vào đêm Giáng Sinh cô cũng mơ thấy. Ông luôn mang đến đúng những món quà mà cô thường ao ước: Có khi là một cái băng đô màu hồng có gắn cái nơ bé bé, có khi là một đôi giày thể thao màu trắng điểm hoa văn ánh bạc…Ông còn vỗ về, vuốt những buồn tủi vướng víu trong lòng cô trôi theo dòng tóc.
Lúc nãy, trên máy bay ông cũng rất lo: “Không biết con bé sẽ đón nhận mình như thế nào, khi đối diện với người cha thiếu trách nhiệm như mình?”. Nghĩ đến những điều linh mục Nhân kể, ông như có ai xát muối vào lòng: Mẹ con nó đã sống những năm tháng thiếu thốn, cơ cực trong khi mình đầy đủ, sung sướng mà không hề hay biết… May mà bà ấy bỏ vùng kinh tế mới trở về thành phố buôn gánh bán bưng sinh sống với quyết tâm: “Dù phải chịu cực khổ đến mấy cũng phải cho các con đến trường.” Chứ để con bé bị thất học chắc còn buồn nhiều hơn nữa.
Gặp được con gái, được nó đón nhận một cách nồng nhiệt, đối với ông còn gì bằng. Bỏ qua những ái ngại, ông ôm đứa con bé bỏng vào lòng nghẹn ngào chợt nghĩ “mình có nhắm mắt cũng mãn nguyện rồi”. Mẹ Trâm im lặng, gò má ươn ướt, bà khép nép đứng cạnh ông, bàn tay run run không dấu được vẻ cằn cỗi bỡi tháng ngày,  ánh mắt ấm áp rực lên lấn át vẻ lạnh lẽo hằng ngày. Bà thầm nghĩ: “Ước gì tôi cũng được ôm ông như con bé cho thỏa lòng mong nhớ, nhưng trông ông sạch sẽ, sang trọng quá làm tôi thấy ngại ngùng…”
Rời con , ông quay sang nắm tay bà:
 -     Em tệ lắm, sao ngày đó bỏ đi mà không nói một câu nào?
-            Thôi nhắc lại chuyện cũ làm gì, già cả rồi…
Trước tâm trạng ngỗn ngang này, bà chợt rùng mình khi nhớ lại những ngày tháng cũ…

Chồng bệnh nặng qua đời khi bà chưa đầy ba mươi tuổi, để lại hai đứa con thơ dại. Mặc dù vậy, lúc ấy thanh xuân của bà vẫn còn, cùng với vẻ đài cát của cô gái Hà Thành dịu dàng là đôi mắt biết nói, chiếc răng khểnh làm nụ cười cứ như luôn hé nở trên môi. Trước vẻ đẹp mỏng manh, như chuổi lộc vừng tha thướt ven hồ Hoàn Kiếm của cô, người có chất nghệ sĩ như anh bị thu hút là điều khó tránh khỏi. Ngược lại, một trung niên Huế điển trai, dáng cao ráo, nói chuyện rất có duyên, lại là sếp của cô trong sở nên chẳng bao lâu đã làm lay động tâm hồn vốn đang bình lặng đến chán ngắt trong cô. Dù biết anh đã lập gia đình nhưng cô cảm nhận anh không có hạnh phúc với người vợ mà tính khí lúc nào thất thường; không  hề biết hôn nhân của họ do sự sắp đặt của hai gia đình… nên quá nhiều gượng ép… và những chuyện khác anh chưa bao giờ kể. Mỗi khi gặp anh cô không thể làm chủ cảm xúc của mình, hai người tự nhiên gắn kết, hấp dẫn lẫn nhau như sinh ra là để dành cho nhau…
Tiếng mọi người gọi nhau lên taxi kéo bà về với hiện tại.
Trên xe, bà làm như vô tình hỏi: 
- Bây giờ ông định ở đâu? 
Ông ngạc nhiên trả lời: 
- Về nhà mình chứ còn đi đâu nữa…!
Câu nói tưởng như vô tình ấy khiến ông cảm nhận được bà vẫn còn giữ ý tứ, nét kín đáo, thâm trầm của cô gái Bắc kỳ những năm năm mươi vẫn còn.

Ngồi trên xe, nhìn cảnh vật nối tiếp, những mảng ký ức bà lại hiện về liền lạc như mới diễn ra hôm qua:
… Rồi cô đã bước qua ranh giới của tình bạn, tình đồng nghiệp để bước thêm một bước nữa trên con đường mà không lường hết những chông gai có thể dẫm đạp…Khi tình yêu đang ở giai đoạn chín mùi, cũng chính là lúc cô biết mình mang thai. Cô lo lắng không biết làm sao khi cơ thể cứ thay đổi từng ngày, nhưng cuối cùng nhờ trái tim mách bảo nên đã đi đến quyết định giữ lại giọt máu của anh trong người chờ ngày nó chào đời. Lúc ấy anh chẳng hiểu vì sao bỗng dưng cô hay tránh mặt, xa cách anh hơn. Một hôm cô để lại lá đơn xin thôi việc trong ngăn kéo bàn làm việc của anh, rồi bỏ đi biệt xứ…

Ông cũng miên man thả trôi suy tưởng về một miền ký ức xa xôi, nơi ông lạc mất đã lạc mất người yêu để suốt một đời thương nhớ:
… Đi tìm người yêu khắp mọi nơi nhưng rốt cuộc vẫn biệt tăm, quẫn trí không hiểu lý do cô bỏ anh mà đi trong khi bao yêu thương vẫn còn đầy ắp nồng nàn... Những ngày ấy bộ dạng anh trông thật thảm hại với râu không cạo, tóc không hớt cạo, áo quần không cần thay. Vợ anh thấy có điều gì đó rất bất ổn ở chồng mình cố gặng hỏi nhưng không được, bực bội nên cô quát tháo mấy câu rồi bỏ mặc. Anh không đi làm chỉ nhốt mình trong phòng, uống rượu say khướt, không buồn đề ý đã bao nhiêu lần hết sáng lại tối đi qua khung cửa sổ… Một hôm, anh thật sự bị thức tĩnh khi bị người bạn thân đến dội nguyên một sô nước lạnh vào người rồi lôi anh ra khỏi chăn nệm ướt đẫm và căn buồng đầy bóng tối…Rồi anh cũng cố quên đi… cố yêu vợ để mà tiếp tục sống…
Như đọc được  dòng suy nghĩ của ông, bà xâu kết tiếp những tình huống để hoàn tất câu chuyện cũ:
…Mặc dù rất yêu anh, nhưng cô quyết ra đi không nói một lời. Mang hai con lên tận Đà Lạt, tá túc trong gia đình một người bà con. Cô dự định sinh con ở đó, dấu dư luận lẫn người thân về những lầm lỡ của mình và nhận lấy trọn vẹn những đau đớn và buồn tủi. Điều hệ trọng hơn cả cô không muốn vì chuyện này mà anh bị mất chức, không để tai tiếng ảnh hưởng đến địa vị của anh và sự đổ vỡ gia đình.
Rồi nỗi buồn cũng nguôi ngoai trong lòng mỗi người khi những tờ lịch cứ lặng lẽ rơi xuống, vơi dần, vơi dần cùng tháng ngày, mờ xóa đi dấu vết một cuộc tình vừa bị vùi chôn, nhưng dưới những khuất lấp ấy vẫn nẩy ra một mầm sống nhỏ tinh khôi, không tì vết. Bé Mai trâm chào đời…
Đất nước chìm đắm trong cảnh loạn lạc, chiến tranh có nhiều biến cố xảy ra làm đảo lộn mọi thứ. Mai Trâm chưa đầy ba tuổi, mẹ đã phải bồng bé đi tản cư tránh bom đạn. Rồi sau ngày 30 tháng 4, khi trở về lại chỗ cũ cô nghe tin anh ấy đã dẫn vợ và con di tản ra nước ngoài. Nhiều khi cô không biết anh ấy sống ra sao, đang còn hay đã mất? Biền biệt bao nhiêu năm nay rồi, khi quê hương mở cửa nhiều Việt Kiều về nước cũng không thấy anh trở về. Bao nhiêu chờ đợi hy vọng ấp ủ trong lòng dẫu có chút mơ hồ dường như cũng tàn dần như hoa lộc vừng rơi rụng theo mỗi mùa Xuân…

Câu chuyện vừa kết thúc cũng đúng vào lúc xe đỗ ở đầu hẽm rào, mọi người xuống xe, hăm hở và kệ nệ mang hành lý vào nhà.
Ông về sống cùng mẹ con bà trong căn nhỏ xinh xinh, nằm trong khu vườn trồng toàn hoa nguyệt quế và cây chuỗi hạt ở ngoại ô thành phố. Nhà ngói đơn sơ nhưng rất sạch sẽ và ngăn nắp. Căn nhà này mẹ con Trâm gầy dựng lên nhờ quán bánh vỉa hè của bà, tiền Mai Trâm đi dạy học và làm bánh kem…dành dụm. Hai cô chị của Mai Trâm giờ cũng thành đạt đã lập gia đình ra ở riêng, chỉ còn Trâm và mẹ sớm tối hủ hỉ. Ông cũng suy nghĩ mông lung lắm: “Ngẫm nghĩ những năm qua mình cũng bất hạnh: Vợ thì bị tâm thần luôn vật vã cho đến lúc qua đời; Có mỗi một đứa con trai nhưng chẳng mấy thương yêu gì cha. Khác xa với căn hộ đơn độc, lạnh lẽo  ở nước ngoài, nơi đây đúng là mái ấm bấy lâu mình mơ ước, nhưng phải chi được ở luôn nơi đây bên cạnh hai người thân yêu nhất…” Từ  khi được cha Nhân cho biết tin ông có đứa con gái còn lưu lạc ở quê nhà cho đến giờ phút này ông vui lắm. Nhận được một gia tài đồ sộ, ông chưa hạnh phúc bằng. Ông thầm cảm ơn thượng đế đã ban cho ông một đứa con gái, là niềm an ủi  của ông lúc tuổi già…
Ông vẫn thường đưa ngón tay cái lên, nheo mắt cười với Trâm và nói đầy tự hào: “Con gái của ba vừa xinh đẹp, lại vừa thông minh. Con là số một, là Number one ”.
Hiện tại Mai Trâm đang là nhân viên ưu tú của một công ty nước ngoài. Mặc dù bận bịu nhưng cô luôn dành nhiều thời gian ở cạnh chăm sóc cha. Cô đưa ông đi thăm bà con, giới thiệu với bè bạn… Trâm tự hào vì mình rất giống cha và muốn khoe với tất cả mọi người về người cha tuyệt vời này. Cô đưa ông đi ngắm phong cảnh, ăn những món ngon vật lạ của Sài gòn. Những tấm hình chụp cô hết mặc áo dài, đến mặc trang phục kimono đứng bên cha với đủ các kiểu tạo dáng lần lượt tuôn ra được sắp vào một cuốn album làm kỷ niệm. Một buổi chiều vàng, hai cha con ngồi trên xích đu ông vuốt mái tóc dài đen óng của cô bé.  Bất giác ông quay sang hỏi:
-      Con có muốn đổi theo họ cha để mang họ Tôn Nữ …Tôn Nữ Mai Trâm không?
Ông họ Bửu, một dòng dỏi của vua chúa ngày xưa nên muốn Trâm cũng mang niềm tự hào đó.
-            Dạ con muốn lắm bố à, nhưng phải đổi bao nhiêu giấy tờ, bằng cấp thì phức tạp lắm!
-            Ừ. Nếu khó quá thì thôi… nhưng ai cũng biết con là con của bố đúng không? Ông nói với vẻ buồn buồn.
-            Dạ đương nhiên rồi bố à…Cô cười nháy mắt với cha.
Lúc này, ông cảm thấy hối tiếc vì quỹ thời gian còn quá ít để có thể chăm lo chu đáo cho con. Ông thủ thỉ:
-            Phải chi bố gặp lại con sớm hơn, bố sẽ làm nhiều điều cho con, nhiều điều hay lắm, con biết không?
-            Thôi bố đừng áy náy nữa, cuộc sống con và mẹ cũng khá ổn rồi, không cần bố làm gì cho con nữa miễn là bố sống đến trăm tuổi bên con là được rồi.
Trâm cười nói khi đứng sau lưng quàng tay ôm cổ bố.
-      Cha mi, con nhỏ ni khéo miệng...Rồi ông cười vang, tiếng cười sảng khoái của ông bay lên đụng cả trần nhà.
      Bằng giọng hóm hĩnh nhưng lại rất thâm thuý, ông kể miên man chuyện thời còn trai trẻ, về những ngày sống nơi xứ người… Mai Trâm ngồi nghe say sưa, mê mẫn. Cô rất thán phục kiến thức và vốn sống vô cùng phong phú của cha … Trong suy nghĩ ngây thơ của mình. Tình cha con cô như những hạt đười ươi, hạt é khô gặp nước ấm làm bung ra thành những chùm rong óng ánh màu hỗ phách, nảy nở thành muôn nghìn hạt trân châu chuyển động không ngừng giữa những miếng sương sáo đen tuyền tạo nên một thứ thức uống ngọt ngào thơm mát mà từ nhỏ Trâm đã rất thích.
Cảm nhận rất rõ những vất vã người mẹ đơn thân đã trải qua suốt hai mươi mấy năm để nuôi dạy con nên người, ông trìu mến nắm tay bà:
 - Bà khéo thật, sinh cho tôi một đứa con gái xinh xắn và dạy dỗ con biết yêu thương và tự lập như thế này thì quá tuyệt rồi! 
Bà chỉ bẽn lẽn cười: 
-            Cô này mà có bố ở sát bên cạnh từ nhỏ chắc khó lòng nên người! Bố chìu quá ai mà dạy nỗi!.
-            Mình dạy con giỏi hơn anh nhiều. Con trai anh do được nuông chiều và ảnh hưởng lối sống phương tây nên sau khi lấy vợ đã theo gia đình vợ  qua sống bên Pháp, để cha sống một mình ở Mỹ, có khi mấy tháng liền không thèm gọi điện hỏi thăm.

Mẹ Trâm luôn tự hào về nuôi cách dạy con của mình nhưng càng tự hào hơn khi nhận được chính lời khen của ông:
-            Em dạy con chịu thương, chịu khó và hiếu thảo. Thậm chí, sau này mình có già yếu bệnh tật nó vẫn yêu thương và biết cách chăm sóc mà không hề cảm thấy khổ sở, oán trách dù rằng mình chẳng bao giờ trông đợi như vậy.
-            Ừ mình nói rất đúng.
Trong thâm tâm, ông cũng nghiệm ra rằng: “Khi bạn thương yêu con cái và lo cho chúng quá chu đáo, lâu dần chúng cứ nghĩ đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của bạn. Vì ỷ lại nên không thể hiểu rằng cha mẹ phải vất vã như thế  nào để chúng có đầy đủ mọi thứ. Nếu bạn dạy con tính tự lập, chịu khó làm việc điều đó khiến con bạn hiểu được giá trị của công việc, hiểu được tình thương của cha mẹ và sẳn sàng từ bỏ những suy nghĩ chỉ biết cho bản thân”.
Những ngày có ông về, lòng bà như sa mạc cằn khô bỗng dưng được một cơn mưa đổ xuống, cát nóng như tấm bọt biển tham lam hút nước trong cơn chết khát, làm cho bao nhiêu hạt mầm ngủ quên bấy lâu nẩy lên thành cây lá nở hoa; Như một phép lạ thổi vào mặt đất nhiều màu sắc rực rỡ đến ngỡ ngàng. Bà như trẻ lại nói chuyện hay hơn và mĩm cười nhiều hơn.

Sáng sáng, trên phố Nguyễn Du, người ta lại thấy một ông cụ mặc com-lê, tay cầm cây ba-ton cùng cô con gái tản bộ đến nhà thờ Đức Bà. Mai Trâm tóc thề đoan trang trong chiếc áo dài lụa màu hoàng yến, trên cổ đeo chiếc kiềng bạc xinh xắn. Tình thương ẩn chứa trong ánh nhìn trìu mến trên từng gương mặt của cha và con làm tỏa lan hạnh phúc đến những người chung quanh. Hình ảnh của Giăng -Van - Giăng và cô con gái Cô - Déc trong tác phẩm “Những người khốn khổ” của đại văn hào Victor Hugo như đang được tái hiện giữa thành phố sài gòn. Mai Trâm chưa bao giờ thấy cuộc đời mình ý nghĩa như những ngày ngắn ngủi được sống bên cha. Bao lâu nay cô thiếu vắng tình cảm thiêng liêng đó, giờ đây cô tha hồ tận hưởng, ngập tràn trong sự thương yêu và chăm sóc của cha. Có cha, giấc mơ cả một đời của Trâm đã thành hiện thực thật sinh động và sờ thấy. Giờ đây cô cảm nhận được niềm hạnh phúc mỗi khi tan sở, ngoài mẹ còn có cha mong ngóng cô trở về. Trâm như quay về sửa lại những ngày thơ ấu để được lớn lên bên vành nôi có đầy đủ đôi mắt của cha và đôi mắt của mẹ cùng chụm vào, hớn hở nhìn mình với sự ngưỡng mộ rất chủ quan và một tình yêu không gì so sánh được.
Cô thuyết phục cha ở lại Việt Nam mỗi khi ông đòi về lại Mỹ nhưng căn bệnh nan y thường xuyên phải được chăm sóc và điều trị bằng những loại thuốc rất khan hiếm và đắc tiền nên không thể ở đây luôn được. Sau một hai lần dời chuyến bay, cuối cùng cha Trâm cũng đành phải ra đi.
Hai tháng trôi qua như một lần chớp mắt, hôm nay Trâm đưa cha lên sân bay. Khung cảnh khác hẵn ngày Trâm đón cha về. Mưa bay lất phất làm mù những mảnh tường ghép bằng kính của Sân bay Tân Sơn Nhất, mờ mịt cả khung trời. Một cô gái đứng nép vào người yêu khóc thút thít; chàng trai lau nước mắt, dỗ dành người yêu. Bà mẹ vào phòng cách ly của sân bay rồi quay ra bắt tay từ biệt từng người thân, đưa tay quệt nước mắt…Chị đưa em; Vợ đưa chồng; Con tiễn cha…Ai cũng nghẹn ngào trong nước mắt.  Đến phút này, Mai Trâm mới thấm thía lời than của một nhà văn: “Ôi cái cảnh biệt ly sao mà  buồn  thế!”.

Gia đình Trâm, ai cũng buồn. Cha Trâm như già gầy sọp hẵn đi, buồn bã nắm tay vợ rồi quay sang ôm con… Trâm đôi mắt cũng nhạt nhoà như mưa ngoài kia, không thể nhìn rõ hình ảnh của cha đang thiểu não quay lưng, chỉ biết vóc dáng như chùng xuống, những bước chân cứ nặng trĩu, xa dần, xa dần đến một nơi cách mấy đại dương  mà ông chẳng hề muốn. Dòng thơ nào đó đã hiện về từ ký ức xa xôi, chạm đến khoảnh khắc chơi vơi, tô đậm thêm những đường nét chia ly tạo nên một sự đồng cảm thật lạ lùng:
“…Có lần tôi thấy một người đi
Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
Một mình làm cả cuộc phân ly…”(*)

Về lại Mỹ, ông lặn lội đến nhiều trường đại học để xin một xuất học bổng cho Trâm sang du học với hy vọng có thêm những ngày sống gần con. Ông gọi điện, rồi viết cho Trâm gần như mỗi ngày. Cánh tay ông ngày một yếu đi khiến nét chữ  nghiêng ngã nhưng vẫn lạc quan, luôn an ủi con mình. Linh tính, Mai Trâm đoán được sức khoẻ cha mình đang suy sụp. Trong lòng cô luôn canh cánh nỗi lo bệnh tình của cha. Đêm nào cô cũng cầu nguyện cho cha sớm bình phục.
Có đêm, Trâm mơ thấy cha về nhà. Vẫn cái nhìn trìu mến, ánh mắt đượm buồn, ông ngôi ôm đàn ghi ta đệm cho Trâm hát bài “Papa người cha yêu dấu”. Đang ngủ bỗng dưng cánh môi cô mở ra, hát lên khe khẻ:
“Nhớ những năm xa xưa ngày cha đã già với bao sầu lo, nhớ năm xưa còn bé,  đêm đêm về cha hôn trán con …”
Bài hát vừa kết thúc,  cha dựng cây đàn bên vách, trao cô một chiếc hộp có thắt nơ rồi buồn bã quay bước không nói lời nào. Cô đuổi theo, nhưng bóng cha cứ khuất dần, khuất dần… rồi mất hút …Mai Trâm giật mình tỉnh giấc, nước mắt ướt đẫm đám tóc rối tung, tai còn nghe tiếng xào xạt của hàng nguyệt quế trước sân. Hương hoa vẫn còn lẫn khuất trong căn phòng…
Cách xa nửa vòng trái đất, cha cô đêm nào cũng mơ thấy mình còn đang ở quê nhà, cùng chuyện trò với vợ và con gái yêu bên mâm cơm thật ngon có món cà pháo, thịt đông, món khoái khẩu quen thuộc…Khi tỉnh giấc thấy mình đang nằm một mình trên chiếc giường đơn với đôi chân lạnh ngắt, những giọt nước mắt cứ trào lên trong hốc mắt héo hon, ông muốn bảo chúng ngưng nhưng không được, thôi thì để cho chúng mặc sức tuôn ra cho ngớt tiếng thở dài…
Một sáng mùa đông  năm 1999, tại bệnh viện thuộc vùng Sandiego – Bang Cali – Hoa Kỳ, một ông cụ người Việt Nam trút hơi thở cuối cùng không có người thân bên cạnh. Trong tay ông vẫn còn đang ôm chặt tấm hình con gái đang cười thật tươi bên cha. Ông ra đi bỏ lại những hoài bão còn đang ấp ủ dành cho con. Chắc hẳn ông còn nuối ai nên cửa sổ tâm hồn có mây mờ phong kín vẫn không chịu khép, tạo ra một sự trỗng rỗng vô hình phủ lên thân xác chỉ còn chút hơi ấm trong lồng ngực.
Tin ông mất làm cho bầu trời Sài Gòn hôm ấy dường như nhuộm một gam màu lạnh xám. Vợ ông thản thốt, bàng hoàng nhưng đôi mắt vẫn ráo hoảnh. Bà hoàn nguyên thành sa mạc bị nắng hè thiêu đốt đến quắt queo. Mai Trâm lẩy bẩy sửng sờ như con chim bị trúng tên. Cô không nói một lời nào, nước mắt ứa ra trong đôi mắt đỏ ngầu như  những giọt máu rĩ ra từ một vết thương. Trái tim nhỏ bị một vật nặng đè lên đau nhói, ý nghĩ sẽ không còn được gặp lại cha lóe lên như những miếng ngói va vào đầu phát ra âm thanh khô khốc, rồi vỡ nát thành từng mảnh nhiều góc cạnh dễ gây thương tích. Cơ thể lơ lững trôi đi như một thiên thạch bay trong vũ trụ, tâm trí cứ muốn lẫn trốn vào cõi riêng nào đó để nếm trãi nỗi đau không thể chia sẻ và mất mát không gì bù đắp được.
Nơi vương cung thánh đường Nhà Thờ Đức Bà, không gian như xóa mờ những tạo vật chung quanh chỉ khắc đậm hình ảnh đơn độc cô bé mô côi cha đứng lặng lẻ giữa những dòng người chậm chậm đến và đi xem lễ. Nỗi buồn dường như cũng đệ quy theo đường cong của mái vòm, đường cong của những khung cửa tranh kiếng đủ màu nằm lẫn trong nhau. Có lẽ khác với nhiều người đang cầu phúc cho người đang sống, với lòng thành kính và đức tin, Mai Trâm đang hướng đến ngôi cao, cầu nguyện cho linh hồn người cha tội nghiệp vừa khuất núi, được sưởi ấm và sớm về cõi vĩnh hằng.




(*) Những bóng người trên sân ga – Nguyễn Bính

Monday, August 8, 2011

Chủ Nhật



Chủ nhật nằm nhà không yên
Bao nhiêu suy nghĩ đan chuyền tâm tư
Buồn vui khoảnh khắc thực hư
Ta như con nhện nhả đừ sợi tơ

Chủ nhật ra ngoài lông ngông
Bao nhiêu nghịch cảnh tăng xông nhức đầu
Kẹt xe, đánh lộn giữa cầu
Ta như thuyền bé chìm sâu biển Hồ

Chủ nhật đi hát với nhau
Bao nhiêu bài hát chọn hoài không ra
Trên ca phía dưới cũng ca
Mọi người cùng hát như la đống cà (như là đồng ca)

Con đã về rồi mẹ ơi!




Thương tặng anh Nguyễn Vũ Linh

Bỗng dưng về nhà sau mấy mươi năm
Cha ngồi đó gầy trơ như phiến đá
Bạc phết vì tang tóc biệt ly
Mẹ nằm đây chân dung buồn man mác
Hồn đi vào cõi vô thức thênh thang
Nước mắt con nhạt nhòa trên linh cửu
Hối tiếc nhớ thương những muộn màng

Ôi có nỗi đau nào như nỗi đau tử biệt
Mẹ đi rồi con nước cũng hư hao
Một phần của mẹ còn sót lại trên đời
Là con đó với xót xa ân hận

Lau bụi lấm mộ phần của mẹ
Nước mắt lại rơi giữa ráng chiều
Chưa rũ sạch bụi đời trên vai áo
Suốt hành trình nương náu nỗi cô liêu

Tuesday, August 2, 2011

Chơi nhảy cù


Chơi nhảy cù (Play hard dance)
120 x 80 Cm
Sơn dầu
August, 2011