Thursday, July 21, 2011

Những điều mẹ dạy


Khi chập chững những bước đi đầu đời, nhận biết được thế giới xung quanh, tôi đã nhìn thấy mẹ và sống trong vòng tay yêu thương của mẹ. Tôi thấy điều đó thật bình thường, tự nhiên  như  hết ngày rồi đêm, như việc chúng ta ăn, uống, hít thở không khí. Tôi không để tâm tại sao lại như thế? Cũng như không hiểu được tình yêu lớn lao của mẹ. Lớn lên tôi mới hiểu được lòng mẹ. Những điều mẹ dạy  như  ngấm dần trong tôi thành lý lẽ, thành nhân cách sống ở đời.

Tôi nhớ có lần mẹ dẫn tôi và chị Khánh Hương đến nhà Cô Thu Nhi, bạn của mẹ chơi. Năm ấy tôi lên bảy, chị hơn tôi hai tuổi. Tình cờ chạy ra sau vườn, chúng tôi nhìn thấy một con gà mái rời ổ bay xuống tìm mồi. Tò mò nhìn vào ổ trứng, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy có một quả trứng to gấp ba bốn lần trứng gà bình thường. Thích quá nên chị em tôi đã lấy nó giấu trong vạt áo mang về nhà...Bất chợt nhìn thấy tôi nâng niu quả trứng thật to, mẹ liền tra hỏi: - Quả trứng này ở đâu ra?
Tôi mếu máo khai là “lượm” được ở sau vườn nhà cô Thu Nhi. Mẹ tôi biết ngay chúng tôi lấy cắp nên quất mỗi đứa mấy cây roi mây đau quắn đít. Rồi mẹ bắt phải mang quả trứng đến nhà cô xin tha lỗi và trả trứng lại. Chúng tôi hỗ thẹn quá nên khóc như mưa và tự hứa với lòng sẽ không dám “lượm” cái gì, của ai nữa (?).
Tôi còn nhớ, em gái út sáu tuổi của tôi rất yêu mẹ. Suốt ngày, nó cứ quấn quít bên mẹ. Nó xách đôi dép mẹ ngồi trước cửa buồng mỗi khi mẹ đi tắm. Có lần cha tôi công tác xa, nó sốt cao và ho, mẹ lo lắng quá nên mời y tá đến tiêm thuốc cho bé. Không may em tôi bị sốc thuốc qua đời. Suốt mấy tháng liền, đêm nào tôi cũng nghe tiếng khóc khe khẽ của mẹ, khiến lòng tôi cũng day dứt khôn nguôi. Mẹ tôi đau buồn đến muốn chết theo con. Qua biến cố đó, tôi mới hiểu tình mẹ thương con bao la vô bờ bến.
Một lần khác, cũng hai chị em tôi được mẹ dẫn ra chợ ăn chè. Ngồi trước mặt bà bán chè răng rụng hết chỉ còn độc nhất một cái răng cửa, nhưng bà lại hay cười khiến mỗi khi nhìn mặt bà, chúng tôi không nhịn được ôm bụng cười như nắc nẻ. Không hiểu sao, mẹ nổi giận đùng đùng, không cho ăn chè nữa mà lôi về nhà mắng cho một trận. Từ đó trở đi, chúng tôi không còn dám cười những khuyết tật của người khác nữa.
Mẹ yêu thương chúng tôi bằng tình cảm khắt khe của người mẹ, ngồi xoa dầu lên những vết roi trên mình con mà nước mắt tuôn trào.
Mẹ tôi hay thương những người nghèo khổ vì lâu lâu mẹ lại cho họ: Gạo, tiền… gom quần áo cũ cho họ. Mẹ kể: “ Ngày xưa nhà mình nghèo lắm, sắp Tết không có tiền mua quần áo mới cho các anh chị con, mẹ phải cắt cái trần mùng ra , nhuộm với mực xanh, may tay cho mỗi đứa một bộ. Nên các con mặc đồ phải giữ sạch sẽ, lành lặn  còn  để dành  cho người nghèo, họ rất quý”.
Trước đây, cha tôi làm nuôi gia đình, mẹ chỉ làm việc nhà và dạy dỗ chúng tôi. Từ khi thời cuộc thay đổi, cha tôi thất nghiệp, một tay mẹ nặng gánh lo toan. Mẹ tôi hết bán khoai mì, khoai lang,  rồi chuyển sang bán gạo, bắp, cá khô…Mẹ lặn lội mua lúa tận chân núi, gánh ra lộ, rồi chở về thị xã xay bán. Trời nắng chang chang, mẹ phải tay xách, nách mang mấy bao cá nặng trĩu, đi qua chiếc cầu ván mỏng manh, lắc lẽo bắt qua ghe. Nhiều người ngạc nhiên, trầm trồ, không hiểu sao trước đây mẹ tôi suốt ngày chỉ biết làm nội trợ, bây giờ lại chân đất gánh gạo đi thoăn thoắt trên đường? Họ đâu có ngờ, năm xưa mẹ tôi đã từng là phụ nữ cứu quốc Thành Đà Nẵng, hơn năm năm tham gia kháng Pháp, mấy lần vào sanh ra tử.
Lo cải thiện cho cuộc sống gia đình, mẹ và hai anh tôi lên tận cây số bốn mươi phát rừng, làm rẫy, trồng bắp, trồng khoai…Trên mảnh đất khai hoang có lần anh tôi phá gò mối giết gần hai mươi con rắn, trong đó có hai con rắn đen mun, mòng đỏ. Dân ở đây bảo, đó là loài rắn chúa đất rất thiêng, không ai dám đụng đến nó! nghe vậy nên cả ngày mẹ thấy bần thần, lo lắng. Không biết có trùng hợp không? Tối hôm ấy anh tôi đang ngồi chơi với mấy người bạn trong xóm bỗng dưng mắt bị mờ, không nhìn thấy đường về nhà. Đêm đó mẹ tôi lo buồn lắm. Liên tưởng đến những chuyện xảy ra trong ngày nên suốt đêm bà thắp nhan bàn Phật cầu xin cho anh tôi sáng mắt. Mẹ bảo: “ Mẹ già rồi mẹ mù thay cho anh con cũng được…”. Sáng hôm sau, anh tôi đã sáng mắt trở lại. Còn mẹ tôi từ đó trở đi, không đêm nào ngủ được, ăn không tiêu, trong người lúc nào cũng ớn lạnh, phải chụm một khương lửa đặt dưới giường để sưởi ấm. Mẹ tôi bệnh triền miên bốn năm tháng trời nên người xanh như tàu lá chuối. Tôi nhớ có một đêm, mẹ tôi mệt rũ và hấp hối, chúng tôi sợ quá vây quanh mẹ kêu khóc ầm ĩ. Mười mấy tuổi đầu tôi đã biết suy nghĩ như người lớn: “ Ngày nào tôi mất mẹ là ngày đó tôi không còn là trẻ thơ nữa. Tôi sẽ trưởng thành trong bơ vơ , lạc lõng giữa cuộc đời này”.
Tưởng chừng như không còn chút hy vọng, bỗng nhiên có người trong xóm tìm giúp cho mẹ tôi một ông đồng cốt, chữa bệnh bằng tâm linh. Ông lên đồng cho rằng vì anh tôi phá nơi ở của ông chủ đất nên mẹ tôi bị quở phạt, mẹ con tôi vạn cầu khóc lóc xin tha mạng, đến quẻ keo thứ ba mới được chứng. Đêm ấy mẹ tôi vui mừng kéo tôi ra khỏi nhà ông đồng, lần đầu tiên mẹ tôi ngủ được sau thời gian bạo bệnh. Mẹ tôi thoát cơn hiểm nghèo và sống với chúng tôi đến ngày nay.
Tôi thấy mình thật diễm phúc. Cha mẹ đã nuôi dạy bảy anh em chúng tôi khôn lớn nên người… Mặc dù, sau hai lần bị té trong khi chạy chợ kiếm sống khiến mẹ tôi phải hết đi nạn, rồi ngồi xe lăn nhưng mẹ vẫn lạc quan, yêu đời bên cạnh sự thương yêu, chăm sóc tận tình của cha tôi. Mẹ tôi đã gần bảy mươi lăm tuổi rồi, khuôn mặt phúc hậu, mái tóc bồng bềnh bạc trắng như mây giống bà tiên hiền từ trong truyện cổ tích. Có lần tôi khoe với mẹ rằng tôi đang viết về bà. Mẹ tôi hỏi: “ Con viết cái gì về mẹ vậy? Có cái gì hay để con viết không?”. Tôi hình dung sẽ là một kết thúc có hậu…Khi đang viết dở dang, mẹ tôi đã đột ngột ra đi sau một cơn nhồi máu cơ tim…
Ngồi trên chuyến xe đò về Phan Thiết thọ tang mẹ mà nước mắt tôi cứ lặng lẽ rơi. Đến nhà, quỳ bên gối mẹ, hồi hợp giở chiếc khăn điều ra, tôi chờ đợi một điều gì thật đau lòng, nhưng không: Khuôn mặt mẹ vẫn hồng hào và vô cùng thanh thản. Mẹ nằm như đang ngủ, khiến lòng tôi bỗng dưng nhẹ hẵn. Tôi có cảm nhận: Hình như mẹ lìa đời sớm hơn, cố giữ sắc diện như vậy vì không muốn chúng tôi đau đớn, uất ức khi mẹ vĩnh viễn ra đi. Ôm hôn lần cuối, nước mắt tôi ràn rụa trên khuôn mặt mẹ. Tôi muốn níu giữ mùi da thịt, giữ mãi chút hơi ấm thương yêu nơi buồng tim của mẹ cho suốt cuộc đời này. Rồi tôi tự nhủ : Mình phải nén những đau thương, cố gắng không được ngã quỵ vì còn nhiều điều phải lo khi mẹ nằm xuống …và tôi đã làm được điều đó. Mẹ mãi là ánh lửa ấm áp giúp chúng tôi vượt lên mọi gian nan, khốn khó trong cuộc đời.
Về lại Sài gòn, cứ mỗi lần ngồi trước máy vi tính, dự định viết tiếp nhưng chữ nghĩa bỗng trở nên nhạt nhẽo và hạn hẹp đến lạ lùng. Bao lâu nay tôi không dám nghĩ: Một ngày nào đó mẹ không còn hiện hữu; Để rồi giờ đây đành phải chấp nhận: Mẹ chỉ còn là những nhớ thương, hoài niệm, thiết tha đau nhói trong lòng. Tôi chợt nhận ra một điều, dù có viết bao nhiêu về mẹ, tôi cũng không thể nói hết những gì mẹ dành cho chúng tôi. Nhưng như đã thầm hứa, tôi cố gắng hoàn tất bài viết đem về tặng mẹ như một lời tạ ơn muộn mằn. Làm được điều này, dường như, tôi đang nhìn thấy thấp thoáng nụ cười của mẹ trong vừng khói hương mờ mịt giữa cõi hư  vô.


Sài Gòn tháng 4/2004

No comments:

Post a Comment