Sunday, October 9, 2011

Phía sau chân mây



Quỳnh đưa tay vuốt những sợi lòa xòa trước trán, rồi bới gọn mái tóc màu hạt dẻ đang bị gió biển hất tung. Lúc nào ngồi hóng mát ở bãi biển Thương Chánh, Quỳnh cũng thấy lòng mình thật bình yên. Từ nhỏ, Quỳnh đã thích chạy chân trần trên cát mịn để nước biển lùa vào mát lạnh những ngón chân trắng hồng. Cảm giác được nước vuốt ve, cát xoa dịu bàn chân lúc nào cũng làm nàng thích thú. Đôi khi trong lúc vui đùa, một ý nghĩ chợt loé lên trong đầu: “Mặc cho từng đợt sóng xô bờ, ngăn trở bước chân… mình muốn len giữa làn nước xanh biếc, đi mãi ra khơi… Phía sau chân mây trong tưởng tượng của Quỳnh, một không gian trong xanh có những thiên thần bay lượn, âm thanh cũng nhẹ nhàng thanh thoát như tiếng dương cầm. Ở đó không có bất công, không có tội ác, chỉ có những con người với trái tim nhân hậu biết yêu thương và chia sẻ. Ở đó không có đói nghèo, thiên tai, dịch bệnh chỉ có sự sung túc ấm êm. Muôn hoa đua nhau nở, chim chóc thi nhau hót trong ánh sáng chan hòa của bình minh vĩnh hằng.

Quỳnh cười thật tươi, mỗi khi nghe ai đó khen mình. Dầu vậy, nàng vẫn không dấu được màu mây xám trong ánh mắt. Quỳnh không chỉ có khuôn mặt đầy đặn, nụ cười rạng rỡ mà còn sở hữu vóc dáng cao ráo đậm đà phong cách của một thiếu nữ thời phục hưng.
 Trước 30 tháng 4, nàng là nữ sinh trường Chính Tâm, Quỳnh học không giỏi nhưng lại khá văn chương. Thầy cô dạy Việt văn, ai cũng khen Quỳnh có năng khiếu, có tư chất của một nhà văn tương lai … Quỳnh yêu thơ và thuộc nhiều  thơ tình ... Sáng sớm được nghe tiếng nàng ngâm nga như dùng điểm tâm bằng thơ trong làn sương sớm còn vất vưỡng trên giàn hoa mướp vàng rực, đánh thức cả những mộng mơ của cậu con trai mới bắt đầu thời niên thiếu ở nhà bên. Thử nghĩ giữa một bầy nữ sinh lơ ngơ lớ ngớ chưa biết làm dáng, còn nàng sớm trở thành thiếu nữ thì làm sao không nổi bật? Con trai trong trường nhiều đứa si mê Quỳnh như điếu đổ vì ngoài vẻ trời cho, còn ẩn chứa trong tạo vật xinh xắn ấy một tâm hồn mẫn cảm đầy cá tính. Nghe kể có lần nàng đi về khuya một tên cứ kè kè theo như muốn xấn xổ vào nàng, bấm bụng nghe những lời cợt nhã chờ gần đến cổng, nàng rút guốc lên đánh tới tấp và kêu người nhà ra tiếp cứu, tên đó sợ quá chạy mất dép. Và có lẽ từ sắc vóc và cá tính của nàng nên biệt danh “Quỳnh Vệ Nữ” mới ra đời.
Bẵng đi một thời gian mấy năm do chiến tranh loạn lạc mỗi người đi mỗi ngã đến khi gặp lại lúc ấy, Quỳnh đã có một đứa con và vừa ly hôn, nhưng lại không được quyền nuôi dưỡng con. Nghe đồn rằng do tính tình nàng lả lơi, ong bướm nên bị chồng li dị, không biết có phải đó là nguyên nhân làm đổ vỡ hạnh phúc của Quỳnh không? Nhưng nhiều người cũng lấy làm lạ: Sau khi ly hôn mấy tháng, chồng Quỳnh đã hớn hở dìu một cô gái trẻ lên xe hoa, còn nàng mấy năm rồi vẫn còn đơn chiếc. Thôi thì nói làm gì chuyện thế thái nhân tình, một khi người đàn ông đã muốn thay lòng, họ có nhiều cách để hợp thức hóa câu chuyện của mình sao cho có tình có lý, sao cho chẳng ai biết để quăng vào mặt hai chữ khinh bỉ, để khỏi phải mất công chia chác, mất công giải thích dài dòng về trách nhiệm, đạo đức... Nhưng mỗi người làm theo một cách khác nhau, có người sau khi rút đầu ra khỏi cái tròng này lại chui vào cái tròng khác mỹ miều hơn nhưng biết đâu nó lại siết chặt hơn, có người thì khôn ngoan chỉ đứng ngoài dùng tay hoặc chân chấm mút cho đã cơn thèm khát. Ở đây, tên này rơi vào trường hợp đầu tiên.
 Gió lại mơn man trên làn da mịn màng của Quỳnh nghe ran rát như xông hơi muối. Hoàng hôn đổ bóng. Biển bắt đầu trở nên huyền bí và xa lạ. Quỳnh rất sợ  sự xa lạ ấy của biển cũng như sợ sự trở mặt của một người...vì lúc ấy không còn chân mây và không còn những ý nghĩ thánh thiện sau nó, chỉ còn lại cảm giác lạc lõng  giữa khung cảnh nơi nàng đang tồn tại...Gió trở nên se sắt, làm đám lông măng trên cánh tay trắng ngần trở mình, cảm giác gai gai dọc cột sống xâm chiếm, bất chợt nàng muốn quay về… Quỳnh thở dài nghĩ đến căn phòng vắng vẻ chật hẹp nơi đã chứng kiến tất cả những gì nàng trải qua và chia sẻ từng biểu hiện sâu kín nhất để trở nên thân thiết chông chênh, trở thành một cỏi riêng quạnh hiu thân phận. Đến những giấc mơ còn không màu huống gì cuộc sống thực tại làm sao không đơn sắc? Chồng quăng đồ ra đường, còn  cha mẹ đã chuyển lên rẫy, tận cây số ba mươi thay vì đi kinh tế mới nên Quỳnh phải lao đao đi tìm một nơi nương tựa.
Bước vào căn phòng này, ngồi xuống chiếc giường ộp ẹp, nàng đối diện với  khuôn mặt người đàn bà đẹp có đôi mắt quầng thâm, đôi môi lạnh tái và vầng trán gợn mấy vết hằn không tên. Đôi khi rơi đúng vào hoàn cảnh đó nhưng người ta vẫn còn hồ nghi không biết có phải mình đang gặp tình cảnh này không? Bàng hoàng với những khoảng trống thao thức, những ý nghĩ rời rạc, những thất vọng đang nuốt dần tự tin và niềm kiêu hãnh. Trong  buổi giao thời này, vai trò của người phụ nữ có nhiều thay đổi. Họ không còn làm công việc nội trợ, chăm sóc dạy dỗ con cái mà đa số đi ra buôn bán nhỏ lẻ với vai trò trụ cột cho gia đình vì những ông chồng đang thất nghiệp hay tập trung học tập cải tạo. Những ngày vật lộn với cuộc sống, ngược xuôi xe đò buôn chuyến... Ít ai ngờ cô nữ sinh duyên dáng ngày nào bây giờ cũng biết giấu hàng dưới đáy hành lý, xách tay vòng qua sau lưng trạm kiểm soát rồi ra lộ đón xe đi tiếp, thậm chí nhét mực khô vào giữa lốp và ruột xe sơ-cua chở vào Sài Gòn...qua mặt cả công an, thuế vụ. Đừng nói lúc nào bạn cũng giữ mình luôn trong sạch được nhé, thật khó lòng khi sự bần cùng cứ dìm bạn xuống, lúc ấy bạn phải cố ngoi lên, cố tìm cách để sinh tồn, đôi khi còn có những hành động bất chấp nhiều điều vì một lẽ bạn là một con người với bản năng sinh động. Đó là điều nói ra để cảm thông, bớt đi những ý nghĩ hằn học và lên án bất cứ ai.
Những ngày tháng ấy, Quỳnh phải lấy lòng tài xế để họ dành chỗ trên xe, giúp nàng giấu hàng, an tâm hơn khi quản lý thị trường bước lên kiểm tra... Đổi lại Quỳnh phải luôn ngồi cạnh, để yên cho bàn tay thô ráp chai sạn của họ nắm lấy hoặc quờ quạng đâu đó trên thân thể khi xe qua quãng đường vắng vẻ tối tăm.
Sự bương chải, chung chạ ấy đã làm nàng thay đổi. Quỳnh không còn ngâm thơ nữa, chấp nhận những lời cợt nhã, chấp nhận sự đụng chạm… mà không còn đỏ bừng mặt, cảm thấy chân tay thừa thải như thời con gái; Mặc dầu vậy, có lúc nàng  cũng sẵn sàng tát thẳng vào mặt tên nào có thái độ khiếm nhã. Giờ nàng có ưu thế trong việc mưu sinh của một phụ nữ biết mình đẹp và biết sử dụng sắc đẹp ấy như một vũ khí…
Lúc trước Quỳnh ở với một cô bạn cùng đi buôn. Cô này yêu một tài xế nhưng anh ta lại si mê Quỳnh, nghi ngờ Quỳnh cũng có tình ý nên cô ta đem lòng thù hận, giả vờ như vô tình làm đổ một nồi nước sôi vào người Quỳnh. May sao nàng tránh kịp nên chỉ bị phỏng trên cánh tay. Nhưng điều hành hạ  nàng chính là sự  hụt hẫng và sợ hãi đang ngự trị trong lòng, nàng không lý giải vì sao cơn ghen đã biến tình bạn thành tình địch một cách chóng vánh và tàn tệ đến như vậy. Cứ nhìn thấy vết bỏng phồng rộp, nước mắt Quỳnh lại tuôn chảy cùng với tiếng nấc nghẹn lại trong thanh quản phá tan sự tĩnh lặng của căn phòng. Con thạch sùng trên vách cũng giương đôi mắt ngạc nhiên đầy thách thức với kẻ phát ra những âm thanh muốn so kè với tiếng tặc lưỡi của nó. Quỳnh buồn bã và hoảng loạn tìm đến trọ ở đây nhưng cũng không tránh được nhiều lời ra tiếng vào, đôi khi lại có người tới chửi mắng đánh ghen, nên bà chủ nhà rất bực bội, nàng phải năn nỉ hết lời mới được ở lại. Vào thời ấy, phòng trọ rất khó tìm, Quỳnh biết đi đâu bây giờ? Là một phụ nữ trẻ, ngụp lặn trong niềm hoan lạc, buông thả theo những ham muốn đang căng đầy, rồi lại cảm thấy ghê tởm với chính bản thân mình. Quỳnh không biết phải nghĩ sao, nói sao về mình nữa. Có lẽ nàng đang bị cuốn phăng vào những cơn lốc, bị mất phương hướng, cố níu giữ những điểm tựa. Nàng muốn vùng vẫy thoát ra nhưng càng vùng vẫy lại càng lún sâu hơn trong vũng lầy của biến cố xã hội, đổ vỡ gia đình,  hệ lụy bản thân và những bất trắc trong cuộc sống của những ngày mà chạng vạng còn nhiều hơn ban mai.
Nàng tự nhủ trong những kẻ đến với mình có mấy người yêu thương thật sự ? Hay toàn là những tên xôi thịt tầm thường. Những khuôn mặt sinh ra từ thời thế, từ cơ hội và từ những khốn khó nên nhiều nét nham nhở rằn rện hơn là vẻ lương thiện quân tử. Nàng không biết tìm đâu một người để yêu thương tin tưởng, một tâm hồn đồng điệu, một bờ vai để tựa đầu vào những khi mệt mỏi. Nhìn quanh không thấy ai, họ đi đâu hết cả rồi, lác đác một vài người cũng dễ cảm mến nhưng đã có gia đình êm ấm.  Cảm giác sống trong một thế giới quá nhiều đàn bà, quá nhiều những bon chen ganh ghét, khiến lòng nàng cảm thấy lạc lỏng đến chán chường. Nhiều đêm, Quỳnh đạp xe lang thang qua các con đường của thị xã - Phan Thiết cuối những năm bảy mươi  không có những ánh đèn màu và thường xuyên bị cúp điện, cúp nước, quán sá chẳng có gì  ngoài bán chè và hột vịt lộn vỉa hè mọc như nấm sau mưa. Trong không gian tối đen, mỗi quán thắp lên một ngọn đèn dầu như một tín hiệu thu hút sự chú ý của những con thiêu thân, kiến cánh và cả những người cần tìm đến những điểm sáng mong cầu cho mình chút niềm vui, chút ấm áp giản dị. Quỳnh không thể đếm hết bao nhiêu ngọn đèn dầu mỗi tối và bao nhiêu lời xầm xì, cái nhìn ái ngại ném sau lưng mình… Quỳnh như mộng du, ngang qua con đường có ngôi nhà cũ, nơi có đứa con gái bé bỏng, đáng yêu của nàng. Nhìn thấy nó đang chơi đùa trước nhà, nàng cố tình đạp xe nhanh để nó không nhận ra  nhưng sau đó lại cảm thấy hối tiếc…Tại sao lại không cho mình gặp con cơ chứ? Mấy năm rồi mẹ con nàng vẫn chưa nhìn rõ mặt... Quỳnh xa con lúc nó còn nhỏ, trong thâm tâm luôn mong rằng nó vẫn còn nhớ đến mình, nhớ đến người mẹ lúc nào cũng lo lắng và dành cho nó một vị trí vô cùng quan trọng trong tim.
Không hiểu sao dạo này Quỳnh hay gặp ác mộng? Nàng bị cả một rừng người sàm sỡ, hiếp đáp, rồi ghen tuông, đánh đập … Quỳnh đã chạy trong mưa gió lạnh cóng, chỉ thấy nước tràn ngập, cảm giác ngạt thở và vô cùng sợ hãi… Có lẽ, bức xúc vì những chà đạp tàn nhẫn và nỗi cô độc, mất con đã ám ảnh cả trong giấc ngủ của nàng. Có những đêm giấc ngủ ràn rụa nước mắt,  rượu và thuốc lá không lấp nỗi khoảng trống rã rời, nghĩ đến con Quỳnh lại xua đi những ý nghĩ dại dột. Có lúc, lại ngượng ngùng tự nhủ: “Không biết mình sẽ làm gì cho con hay chỉ để lại niềm tủi hổ và oán trách vì một người mẹ hư đốn?!”.
 Một hôm, sau nhiều lần đi qua nhà không nhìn thấy con, hỏi ra nàng mới biết: Chồng cũ đã chuyển nhà đi tỉnh khác làm ăn. Quỳnh trở về với tâm trạng bứt rứt, ôm bộ đồ của con và nỗi nhớ ray rức khó chịu như tìm mà chẳng thấy được một vết thương nào đó đang bỏng rát trên thân thể.
Rồi một ngày chỉ còn hai bàn tay trắng, không còn một chỗ dựa tinh thần nào… thêm mấy người quen hùn hạp làm ăn rồi ôm tiền trốn mất, Quỳnh còn một ít vốn nhưng liên tiếp bị bắt và không dám thừa nhận số cá mực khô (thời ấy cho là hàng quốc cấm) vị sợ bị bắt nhốt. Quỳnh quay về ngồi nhìn những vết loang lỗ rêu phong trên vách mà sợ hãi như nhìn thấy những vết thâm sẹo trong lòng đang phơi bày. Quỳnh cảm thấy thế giới như sụp đổ. Sự chịu đựng chực nứt ra và tan chảy thành sự tĩnh lặng đền kiệt sức của không gian đang lịm chết.  Tất cả những gì nàng đang mưu cầu bỗng dưng chẳng còn ý nghĩa, một sự trống rỗng như một lỗ đen sâu hoắm không thể lấp đầy. Trong tận cùng của nỗi tuyệt vọng, Quỳnh đã viết:
“ … “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạc đầu”.
Khi chết, tôi mong ai đó sẽ trồng lên mộ một cây hoa sứ trắng.
Mùa thu về hoa sứ sẽ rụng đầy trên mộ.
Hồn tôi được sưởi ấm nhờ những cánh hoa thanh khiết ấy…”
Một buổi sáng, thức dậy rất sớm và chuẩn bị hành lý vào Sài Gòn, nhưng trong đầu Quỳnh đã hoạch định cho chuyến ra đi vĩnh viễn. Nàng biết rằng ai rồi cũng chết nhưng nàng muốn chết khi tóc vẫn còn xanh, môi vẫn còn hồng, những vết hằn của thời gian và nỗi nhọc nhằn chưa hủy hoại được mình, đáng kể hơn là tâm hồn vẫn chưa bị mục ruỗng, khi chưa già đến nỗi phải cầu xin ngủ một đêm rồi không thức dậy nữa. Quỳnh chỉ tiếc là không còn cơ hội đeo đôi hoa tai cho con gái, không được đội khăn voan kết những bông hồng trắng điểm xuyến hột bẹt lóng lánh lên mái dài đen óng và thủ thỉ trong tai con trẻ những điều gắng ghi nhớ trước khi về nhà chồng... nhưng thôi nàng sẽ không nghĩ ngợi gì vì càng nghĩ càng thêm mủi lòng, chắc sẽ không đủ can đảm để nhìn rõ gương mặt xấu xí của thần chết. Quỳnh dự định thuốc ngấm vào rồi nàng sẽ chết trên xe mà không phiền lòng chủ nhà, nhưng do dùng liều quá mạnh nên trong lúc mang hành lý xuống cầu thang, Quỳnh đã ngã quỵ. Chủ nhà cứ tưởng trúng gió nên cạo gió, xức dầu, nặn chanh vào miệng... nhiều động tác thừa diễn ra trong khi nàng ôm bụng quằn quại, nhịp đập của trái tim nàng cứ yếu dần thoi thóp như cá đang mắc cạn. Thấy không xong, người ta tìm một chiếc xích lô cà rịch cà tang đưa nàng đến bệnh viện, nàng được ôm trong lòng mà đầu cứ lắc lư như người say rượu. Đưa vào phòng cấp cứu, hơn hai mươi phút sau bác sĩ cúi gầm bước ra báo tin: Xin chia buồn, mọi sự cứu chữa đã trở nên vô hiệu trước độc lực của những viên thuốc sốt rét noroquine  vô tình.
Trong nhà xác, hai chị em tôi bàng hoàng nhìn Quỳnh nằm như đang ngủ trên một cái bục thấp xây bằng xi măng cở chiếc giường đơn, khuôn mặt vẫn hồng hào, tươi nguyên. Khác hẵn thời trang hậu chiến đang thịnh hành lúc đó là quần vải ú, áo vải phin, vải tám nàng chọn cho mình bộ đồ có lẽ vừa ý nhất, chiếc áo thun len dài tay màu xanh biển và chiếc quần Jean bó. Chị tôi nắm bàn tay búp măng mềm mại sơn móng hồng cam của nàng rồi nức nở khóc. Còn tôi đứng chết trân một chỗ, tan nát như vừa bị đánh mất tình yêu đầu đời, mơ hồ và hụt hẫng trong ý nghĩ thù ghét cái chết, giận nàng quá đổi. Lòng tôi như đang bật khóc cho một mộng tưởng vừa tan tành, khóc cho nghìn mạch máu trẻ dại sung mãn đang trở nên hiu hắt trong nhịp đập. Tôi nhớ như in ngày những ngày tháng cũ, Quỳnh là hàng xóm nên thỉnh thoảng lại ghé qua nhà chơi với chị tôi, lúc đó tôi không thể rời mắt nhìn trộm nàng, còn tai thì cứ luôn căng ra, mồm há hốc như con cá vàng không ngừng đốp lấy những thanh âm ngọt ngào từ từ đôi môi hồng như trái chín. Lúc ấy, tôi như một cậu bé đứng ngắm bức tượng thần vệ nữ trong viện bảo tàng, bị cuốn hút mãnh liệt nhưng không hiểu vì sao?  Mơ hồ những ý niệm về vẻ đẹp, về xúc cảm khiến lòng không muốn rời đi. Cảm xúc ấy đã ăn sâu trong tôi như một thứ men rượu càng nhấm càng ngây ngất …
Có rất nhiều người vây quanh. Tôi không biết họ là ai? Người hiếu kỳ? Người xót thương hay kẻ lên án? Bây giờ nàng chẳng còn sợ gì nữa rồi. Quỳnh nằm đó như một bức tượng Thần Vệ Nữ thanh thản lạ thường. Dường như nàng đã theo tiếng gọi phía sau chân mây, đi tìm cho mình sự bình yên miên viễn…
Sau chiến tranh, quá nhiều mất mát chưa bù đắp được, quá nhiều những câu chuyện huyễn hoặc  giữa khung cảnh còn đổ nát, chúng tôi vẫn còn bàng hoàng về tiếng súng, về cái chết và cả những vong hồn còn đang vất vương đâu đó nên việc cầu cơ đầy linh ứng đã giải mã cho chị em tôi và đám bạn bè phần nào những thắc mắc bất an vào những đêm tối trời trong ngôi miếu hoang. Mỗi lần cầu cơ chúng tôi hái một bình bông điệp, cúng nải chuối hay mấy gói xôi, vài chén chè trải một tấm giấy ghi đầu đủ các chữ cái, thăng, giáng, đông tây nam bắc ...và đốt đèn cày, thắp nhang vái tứ phương rồi đọc bài kinh cầu hồn: “ hồn bay bay bổng tuyệt vời, hồn là lữ khách hay hồn chinh nhân...”. Có một lần con cơ bằng ván hòm chạy đến ô ghi chữ “giáng” tôi hỏi: - Xin cho biết vong là ai? là ma, là quỷ hay là tiên thánh?
Vong trả lời: - Ta là ma.
-Vì sao vong chết? Chị tôi hỏi.
- Tự tử. Nghe hai từ ấy cả bọn đều dựng tóc gáy nổi da gà nhưng  vẫn đồng thanh hỏi tiếp: - Vậy vong tên gì?
Con cơ do ba người cùng đặt nhẹ ngón tay lên không ai đẩy mà chạy băng băng lần lượt hết chữ này đến chữ khác rồi ráp lại cái tên: - Quỳnh Vệ Nữ.
Cả đám giật bắn mình hét to lên rồi ù té chạy làm đổ tung tóe cả bàn hương án, khiến tôi mất  đi cơ hội hỏi nàng bây giờ sống sướng khổ ra sao? Sau lần ấy tôi cầu mãi nhưng không thấy nàng về, có đứa bảo chắc Quỳnh đi đầu thai rồi...

Khi vừa thắp xong cho Quỳnh một nén nhang, tôi lẩm nhẩm mấy câu của nhà thơ Đinh Hùng:
“…Đông xám có chàng đến hỏi :
Em thơ, chị đẹp em đâu?
Chị tôi hoa phủ đầy đầu
Đang ngủ trong lòng mộ tối.”
Có những người đến với cuộc sống này họ gặp và trao đổi với bạn những điều gì đấy, trong khoảng thời gian ngắn ngủi rồi vội vã biến mất, để lại những hình ảnh những giọng nói cứ vương vất trong tâm trí bạn xen lẫn với niềm luyến tiếc:
“Mỹ nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạc đầu”.
Trời bắt đầu vào thu, nên hoa sứ rơi đầy trên mộ nàng. Cây sứ thật cao và dáng thật đẹp, thế mà nó đã nhiều tuổi rồi đấy. Bây giờ tôi hình dung, phía sau chân mây - nơi nàng ước ao được đến, Quỳnh đang dạo chơi trong tà áo dài vấn vít mây trời, đầu đội một vương miện hoa sứ trắng, khuôn mặt bừng sáng trong sự bình an ngọt ngào. Chỉ cần vẽ một vòng ánh sáng trên đầu và đôi cánh trắng nàng sẽ thành một thiên sứ. Trong khi phía trước chân mây nơi tôi đang sống, cuộc đời nàng đã thành chuyện kể.

No comments:

Post a Comment