Saturday, July 30, 2011

Độc hành

Anh biết em đã thuộc về ai đó
Giữa thế giới muôn vạn cuộc tình
Em đứng trong bốn bức tường che chắn
Anh đau buồn vô vọng lặng thinh

Có lẽ anh đơn phương yêu em
Nên tâm tưởng bao giờ cũng trống vắng
Không thề giữ em cho trái tim anh
Không thể nắm được bàn tay em thật chặt
Em vẫn mãi trong anh là hư ảo  
Là sông hồ sau sa mạc lung linh
Làm sao anh vượt qua những khúc quanh?
Khi đơn độc cuộc hành trình nghiệt ngã

Ước gì em lạc lối cùng anh
Anh sẽ xin em tình yêu và nghị lực
Chút lạ lẫm, đam mê và bực tức
Ta chỉ còn gần gũi với yêu thương

Giọt nước trời


Em là hạt mưa nhẹ nhàng lóng lánh
Anh hứng trong lòng bàn tay sóng sánh nâng niu
Em là hạt mưa hay là giọt nước trời
Sao sáng trong,  dịu dàng,  thanh khiết?
Làm tơi mềm cánh đồng tâm hồn cằn cỗi
Tưới nẩy mầm cho hạt lúa lãng quên
Cứu đời sông mấy mùa cạn kiệt
Cho anh chạm đến ngôn từ vốn lạ lẫm xưa nay
Hạt mưa nhỏ ơi! Em có biết anh yêu em thật đắm say.

Thursday, July 28, 2011

Mái ngói rêu phong

 Kính tặng Cha nhân ngày sinh nhật lần thứ 71. 


Hồi còn bé tôi gầy trơ xương, nhưng rất mê vẽ, ngồi khòm lưng, đầu gối quá tai, vẽ khắp nền nhà như một con nhện làm họa sỹ. Hình ảnh đó đã được cha tôi chụp lại lúc nào không rõ. Cha thường đến trường chụp hình chúng tôi cùng các bạn nhỏ khác khiến chúng tôi rất vui. Sau này lớn lên, xem lại tôi mới thấy tình yêu thương của cha tôi trong từng tấm ảnh trắng đen cũ kỹ ấy. Cha tôi hay động viên tôi vẽ tranh. Mỗi tấm tranh màu nước tôi vẽ từ óc tưởng tượng thơ ngây đều được cha tôi trân trọng treo lên khắp tường nhà như những tác phẩm nghệ thuật. Có lần tôi đã đoạt giải ba cuộc thi thiếu nhi toàn thị xã với bức tranh “Miệt mài đèn sách”. Thành tích ấy đã làm cho cha tôi rất vui.
             Cha tôi rất yêu văn nghệ, ông biết đàn măng-đô-lin, thích làm thơ và thổi sáo. Những đêm trăng sáng chúng tôi ngồi quây quần bên cha trước sân nhà trong khu vườn có những cây dừa thân cao đổ bóng. Cha tôi đặt một thau nước bên cạnh để rửa ống sáo và ngồi thổi cho chúng tôi nghe những nhạc phẩm như: Thiên thai, Suối mơ của Văn Cao, Biệt ly  của Doãn Mẫn, Hương Xưa của Cung Tiến,  Con thuyền không bến của Đặng Thế Phong.v.v… Tôi thả hồn theo giai điệu du dương, trầm bổng, tha hồ tưởng tượng, tha hồ mơ ước và cảm thấy tiếng sáo ấy sao mà hay quá!  Tiếng sáo của cha tôi như dòng suối ngọt ngào len lỏi vào tâm hồn tôi, nuôi nấng những cảm xúc về âm nhạc từ thơ ngây cho đến tận bây giờ. Cha tôi đã dành dụm sắm một chiếc máy cassette. Cha thổi sáo, mẹ ngâm thơ, chúng tôi lần lượt mỗi đứa hát một bài để thu âm. Được nghe chính tiếng hát của mình lần đầu tiên trên máy, ai cũng có cảm xúc tuyệt vời và vui thích không gì bằng.
              Cha tôi thường dạy cho chúng tôi hát và dạy vài món nhạc lý cơ bản. “ Nào anh em ta, tay nắm tay cùng đùa vui, cùng nhau vui ca, vang  hát cho đời thắm tươi. Cùng ngắm xem trời mây chim bướm lượn nhịp nhàng…”. Lời hát ngày xưa cha dạy bất chợt bay về trong ký ức, nhẹ nhàng, thảng hoạt như mùi hoa dừa trong khu vườn cũ, làm thức dậy những xôn xao thơ ấu trong lòng tôi như  khi còn vui sống sum họp trong mái ấm gia đình . Cha tôi là người khởi xướng những cuộc thi hát trong gia đình. Cha tôi chấm và trao cho chúng tôi những món quà rất dễ thương. Các chị tôi luôn dành vị trí nhất, nhì, vì họ hát rất hay còn tôi may mắn lắm mới được giải ba. Mặc dù vậy, sau này, có khi tôi cũng cả gan đem “tài ca hát” ra thi thố với mọi người.
Cha tôi đánh bóng bàn rất hay. Ông đã nhận nhiều chiếc cúp và bằng khen về môn thể thao này và hình như ông cũng muốn tìm một “đệ tử” để “truyền nghề”, nên anh em chúng tôi đứa nào cũng có thời kỳ xách vợt theo cha“ tầm sư học đạo”. Mặc dù cha tôi chỉ bảo rất tận tụy, nhưng trong chúng tôi không đứa nào có năng khiếu cả, nên luyện hoài cũng chỉ đạt được một vài giải nhỏ nhỏ ở trường. Chúng tôi lúc còn bé, chưa biết bơi nên đeo quanh cha như một bầy khỉ con, theo cha ra tít ngoài khơi. Nhờ cha tập bơi nên chúng tôi hầu hết đều biết bơi, đám con trai bơi rất khá.
Tôi và chị Khánh Hương, kề tôi rất nghịch ngợm, có lần cả nhà đi vắng hai chị em leo lên bàn vừa hát, vừa nhảy tuýt, thế là kính mặt bàn bị nứt làm đôi. Cha tôi về nghe mẹ kể lại, ông giận và tìm chúng tôi trị tội. Chúng tôi biết thân, nên giả vờ đi ngủ sớm . Nằm trong chăn, chúng tôi hồi hợp rồi thở phào nghe tiếng cha bảo: - Thôi chúng nó ngủ rồi, mai tôi hỏi tội sau. Hôm sau, cha tôi lại quên không phạt nữa. Lần khác, chị tôi đứng múa hát trước gương. Tôi nghịch ngợm xô chị ngã nhào làm gương vỡ tan tành. Sợ quá vì biết chắc thế nào lần này cũng ăn đòn nên tôi đã lấy giấy báo nhét sẵn vô quần kaky đang mặc, khi cha tôi đánh đòn nghe bộp bộp nên nghi ngờ hỏi: -Nhét cái gì trong quần? lôi ra mau!. Tôi vừa mếu máo, vừa lôi ra mấy tờ nhật trình thế là cha tôi buồn cười quá nên tha, không đánh nữa. Từ lúc ấy, tôi đã cảm nhận lòng khoan dung của cha dành cho “đám nghịch tử” chúng tôi thật lớn lao như núi.
Quà cho mỗi đứa khi được bằng danh dự, là những cuốn truyện:“ Cái ấm đất”, “Sự tích An Tiêm”, “Những tâm hồn cao thượng”…Sau này là những cuốn sách chia động từ, văn phạm pháp văn… với những câu đề tặng rất hay: “Mon petit oiseau… cố gắng học giỏi con nhé…”
Cứ mỗi dịp Giáng Sinh về nhắc tôi nhớ đến những kỷ niệm… Cha tôi mượn một chiếc xe chở cả đám chúng tôi và con nít hàng xóm hớn hở đi xem các hang đá Bê-lem ở xóm đạo. Đêm Rằm Tháng Tám, chúng tôi tay cầm lồng đèn bánh ú, lồng đèn ngôi sao, đứa được cha cõng trên vai, đứa nắm tay cha đi xem rước đèn, ăn chè bạch quả Thanh Lạc Trai.… Trung Thu đối với chúng tôi thật vô cùng vui thích. Tự bao giờ, cha đã trở thành tâm hồn của những cuộc chơi và mang đến cho chúng tôi biết bao đều vui sướng, hạnh phúc, khiến thời gian cứ trôi qua nhưng vẫn còn đọng mãi trong tôi ký ức những ngày xưa yêu dấu.
     Rồi khi tôi lớn lên, đi học xa, cha thường xuyên viết cho tôi những lá thư  thật hay và cảm động. Ông đã động viên và an ủi những lúc tôi gặp khó khăn chán nản. Khi gia đình túng bấn cha tôi không kể cho tôi nghe, sợ tôi buồn và xao lãng việc học. Có lần cha tôi đi mấy trăm cây số xe đò ra thăm tôi khi nghe ai bảo tôi bị ốm, tới nơi thấy tôi đã khỏe thế là ông lại tất tả quay về. Cha với tôi như hai người bạn. Bao lần tôi về thăm nhà, là bao lần cha tiễn tôi suốt quãng đường dài ra bến xe đò, nhét vội vào tay tôi ổ bánh mì. Chờ xe tôi khuất dạng, ông mới lủi thủi đạp xe về nhà.
 Còn rất nhiều tình cảm của cha nhưng tôi không nhớ hết và cũng như  anh chị em tôi, có người đã quên những điều cha làm cho mình nên đôi lúc cũng làm cho ông buồn. Người ta vẫn thường nói: “Nước mắt có bao giờ chảy ngược?”. Phải chăng chúng tôi cũng không thoát khỏi cái quy luật nghiệt ngã ấy(?). Nhiều khi tôi tự nhủ: “Mình thật diễm phúc có được một người cha tuyệt vời như vậy”. Mặc dù, tôi luôn yêu thương và quý trọng cha nhưng tôi chưa làm được gì cho cha tôi, ngoài việc sống tốt, được nhiều người thương mến và chăm chỉ làm việc như ông.
 Bây giờ tôi đã trưởng thành, cha tôi cũng đã già. Có lần tôi về thăm nhà và mãi ngủ vùi trong chăn ấm. Buổi sáng, cha tôi  đã thức dậy từ lúc nào. Ông đạp xe cọc cạch, mua đồ ăn sáng về cho tôi. Tôi bỗng dưng bực bội vô lý: - Ba ơi, ba mua cho con làm gì, con tự đi ăn được mà. Thế là cha tôi lại thoáng buồn, thoáng giận: “Chắc là con cái chẳng cần gì ở mình nữa rồi…”
Chẳng có nỗi lo nào giống nỗi lo nào… Cha tôi hay lo về bệnh tật tuổi già, chăm lo cho mẹ tôi thường xuyên đau yếu, lo kẻ trộm vào nhà lấy cắp… Gần đây, sức khỏe cha tôi giảm sút nhiều, nên bác sĩ bảo: - Bác không nên chơi bóng bàn nữa… Thế là cha tôi buồn rười rượi, xa cây vợt là xa tri kỷ. Có người bảo: -“ Lão tướng” từ nay “gác kiếm” rồi. Vóc dáng nhanh nhẹn và mạnh mẽ năm nào của ông, giờ chỉ còn là hồi ức. Có lẽ buồn nên cha tôi hay thức khuya, ngồi trầm ngâm trước màn hình vô tuyến, tự ái khi nghe con cái nói: - Ba đừng làm việc này…, ba đừng làm việc khác... Cha tôi bây giờ tự mình uống thuốc và không đợi mẹ tôi nhắc nhở nữa. Thơ thì lâu lâu ông mới làm được một vài bài nhưng không còn hay như trước. Ông ít cười nói như ngày xưa…Nhiều khi, tôi cứ khuyên cha tôi đừng sợ, đừng lo, thử hỏi: “Ai lại không có tuổi già cơ chứ?”. Nhưng nhìn cha như một mái ngói rêu phong, tôi lại thấy chạnh lòng:“ Mấy mươi năm nữa, tôi cũng sẽ như cha bây giờ hay còn tệ hơn là đằng khác? Vì chắc gì tôi sống lành mạnh và thể thao như cha? Và hình như tôi cũng lẩm cẩm rồi thì phải ?”. Tôi chưa lập gia đình, chưa một ngày được làm cha nên chắc chắn không thể diễn tả một cách trọn vẹn tình thương thật vô biên của cha, nhưng tôi cứ mong muốn bày tỏ điều gì đó trước khi trở nên quá muộn màng.


Thursday, July 21, 2011

Một thoáng Angkor


Kỷ niệm chuyến đi Campuchia

Ơi đất nước núi rừng hùng vĩ
người dân hiền hòa, chơn chất, cần lao
nhìn cây thốt nốt thẳng tắp vươn cao
hát vang giữa trời xanh hư ảo

như dáng núi ngôi nhà sàn mộc mạc
con trâu già lạc lõng giữa cánh đồng cằn cỗi bình yên
đã qua một thời đau thương diệt chủng!
những chiếc đầu lâu chất đồng viện bảo tàng!

nghe văng vẵng trống kèn hợp tấu trong rừng cây
của dàn nhạc mù mặc đồng phục đỏ
say sưa theo điệu múa mê hồn Apsarah vũ nữ
xiêm áo rạng ngời lấp lánh sương sa

hồn nhạt nhòa trôi như mảnh trăng xanh
rơi vào chén ngọc giữa cung son lặng lẽ
nuốt hơi thở rừng cây
thổi hồn thiêng vào đá
tắm hồ sen gương soi dáng tháp ngà

Vỗ cánh bay lên đỉnh Angkor huyền bí
thành quách một thời tung bước voi phi
đợi tiếng trăm năm, sa thạch khẻ cựa mình
bỗng hồi sinh sau điêu tàn chinh chiến

Mây thu


Chị tôi ra đời khi cha mẹ tôi còn trong vùng kháng chiến. Mới một hai tuổi chị đã phải chơi đùa một mình với đống gạo đổ ra giữa nhà. Không hiểu vì đói bụng hay nghịch ngợm, chị tôi đã ăn gạo sống đến sình bụng, khiến mẹ tôi phải một phen hú vía vì chị bị bội thực thở không nỗi. Có lần mẹ tôi kể cha tôi lên tận đồi cát tìm củi về nấu, mẹ lên gọi cha về làm dép lốp Bình Trị Thiên cho khách. Cũng may vừa tìm thấy cha tôi đúng lúc cả hai nghe tiếng máy bay từ xa vọng lại. Cha mẹ tôi hốt hoảng chaỵ về vừa kịp bế chị nhảy xuống hầm trú ẩn, là nghe tiếng bom nổ chát chua trên đầu. Chị đã khóc thét trong cơn sợ hãi đến tím người. Có cô bé hàng xóm, miệng còn đang ăn dở miếng kẹo đậu phộng đã chết ngồi ngay miệng hầm vì không kịp chui vào tránh bom na-pan . Nhà tôi bị cháy sạch không còn một cái chén ăn cơm.
Chiến tranh đã mấy lần làm cho gia đình tôi nhà tan, cửa nát. Cha mẹ tôi ngồi khóc trước đống hoang tàn, rồi hôm sau lại bắt đầu tạo dựng lại từ hai bàn tay trắng. Năm bảy tám tuổi chị đã bắt đầu đi chợ giúp mẹ, chị xách cái giỏ muốn cao bằng người mình, cứ gồng mình về một phía mới tha nỗi cái giỏ về nhà. Con người nơi đây cũng như bao nhiêu cây cỏ, cháy rồi nhưng năm ba tháng sau vẫn nẩy lên những chồi non mới. Sức sống ấy nhưng bất diệt trong vùng đất luôn bị bom đạn cày xới này.
Cả gia đình tôi ai cũng bị sốt rét, da chị vàng ệch như da con chàng hiu. Tóc tai chị cứ rụng dần như con bù nhìn rơm đứng canh ruộng. Mẹ tôi ôm cái hình hài gầy yếu xác xơ của chị vào lòng nước mắt rơi còn chị cứ ngơ ngác hỏi: “ Sao mẹ khóc vậy mẹ?”. Rồi có lần chị bị sốt nhưng người cứ rét run mẹ tôi gói chị thật kỹ trong chiếc khăn và ôm chặt vào lòng mà người chị run lên bàn bật. Mẹ tôi tim nhói đau vì sợ chị không qua khỏi …đúng vào khoảnh khắc ấy lòng mẹ tự nhủ: “ Mây ơi! con sẽ mãi là đứa con mẹ yêu quý nhất!”.
Khi cha mẹ tôi về vùng tạm chiếm, chị cũng đã gần mười tuổi và ở đây một thời gian chị bắt đầu thay da đổi thịt. Căn bệnh sốt rét lúc trước cũng theo thời gian buông tha chị. Tóc chị mọc dài ra và  khuôn mặt ngày càng xinh xắn. Khi có sức khoẻ, chị bắt đầu thích chạy nhảy ca hát, và bỗng dưng ai cũng nhận ra chị có giọng hát rất hay. Tiếng hát trong vắt như tiếng con chim họa mi vẫn thường lãnh lót ở trong đám gai dại quanh nhà. Chị diễn tả một cách hồn nhiên theo cảm nhận trẻ thơ. Chị được rất nhiều người ái mộ. Lúc ấy chưa có truyền hình như bây giờ để bắt chước các cô ca sĩ…nhưng dần dà với năng khiếu bẩm sinh, chị đã thành một mầm non văn nghệ. Các đoàn ca nhạc hay cải lương về diễn trong làng chị đều được tham gia tiết mục ca sĩ thần đồng mở màn. Có lần cha tôi đã lặn lội xe đạp gần hai mươi cây số từ Mũi Né về Phan Thiết để mua cho chị chiếc áo đầm mới đi biểu diễn.
Khi chị  học lên trung học nhà tôi đã chuyển về Phan Thiết. Cha tôi xin được một chân thư ký ở tòa Tỉnh và thuê một ngôi nhà ở đường Huyền Trân Công Chúa. Nhà tôi nằm giữa một khu vườn dừa xanh ngát nhưng nghe đồn nổi tiếng nhiều ma. May thay chẳng thấy ma, chỉ tối ngủ như có ai lấy cọng cỏ quơ quơ lên mặt rất nhột. Trong vườn, người ta trồng những luồng hành, rau húng quế, xà lách, cải rổ… bên cạnh còn trồng nhiều luống Mồng Gà, Vạn Thọ. Những cây lẻ bạn, Huệ Lan, hoa Móng Tay được viền dọc các lối đi. Hoa Đuôi Chồn, hoa Củ Tỏi trồng hai bên lang cang cứ như quấn quít dưới chân mình. Chị còn trồng thêm những bụi hoa vi-ô –lét xinh xinh. Trong vườn còn có hai cái ao nhỏ, mọc những cây hoa chuối nước ven bờ, những cụm lá dứa cứ tỏa hương thơm ngát, nhưng chị thích nhất có lẻ là nhiều con cua màu tím với chiếc càng thật to cứ thổi bọt khí liên tục ngay mép nước, và những con cá nòng nọc đầu tròn, có cái đuôi bé xíu thật dễ thương… 
Chiến tranh đã lùi dần vào quá khứ, bây giờ chị Mây áo trắng tung bay mỗi chiều tan học, mái tóc dài óng ả như tơ huyền. Chị đã thành một thiếu nữ xinh đẹp, hát hay nổi tiếng ở trường Phan Bội Châu. Trong một đêm văn nghệ ở trường ,chị hát bài “Mùa xuân đầu tiên” của Nhạc sĩ Văn Cao với cảm xúc dâng trào như mùa xuân đầu tiên của chính cuộc đời chị…khiến cả trường mê tơi.  Rồi tình yêu đã đến với chị. Chị yêu anh học hơn hai lớp. Anh giỏi văn chương, rất có duyên , nước da ngâm đen và nụ cười rạng rỡ. Tình yêu nhẹ nhàng như những cánh hoa bâng khuâng trong khu vườn. Hai người  thường hẹn ra bãi biển tâm tình có lần  anh khẻ khàng nắm lấy tay chị nhưng bỗng từ đâu dưới nước ngoi lên một cái đầu húi cua và cái mồm hét to của anh trai tôi: “Em thấy rồi nghen, em về méc ba cho chị coi!” Thế là anh giật mình thả tay chị ra…
 Xong một học kỳ của năm mười hai, anh đã xung phong đi bộ đội. Chiến tranh biên giới Tây Nam, làm dấy lên một làn sóng học sinh, sinh viên xung phong ra trận, những lá thư được viết bằng máu để thể hiện quyết tâm chiến đấu một mất một còn với kẻ thù. Anh đã ra đi và để lại một lời ước hẹn “ Chờ anh nghe em, anh sẽ về…” hơn một năm chị vẫn không nhận được lá thư nào của anh. Lá thư đầu tiên từ chiến trường cũng là lá thư của đồng đội cho hay anh bị mất tích…chị như người mất hồn, khóc không thành tiếng. Nhiều người đoán chắc anh đã hy sinh. Rồi thời gian trôi qua, chầm chậm với nỗi đau trong lòng, nhưng dường như vội vàng với người đã khuất… Chị đi lấy chồng. Chồng chị là một công tử trước học trường Tây, giờ đi dân quân tự vệ, làm “Lính kiểng” địa phương.
Đám cưới chị chưa tròn một năm, anh bỗng lù lù quay về. Tả tơi trong màu áo chiến trường, tìm đến ngay ngôi nhà người yêu trong khu vườn cũ. Anh quá mừng vui khi thấy chị đang ngồi cho mẹ gội đầu, chải tóc. Mái tóc dài ngang lưng mà anh yêu quý nhưng  bỗng dưng anh bàng hoàng sửng sốt khi nhận ra dáng chị không còn như ngày xưa, hình như chị sắp làm mẹ…Anh đau đớn thốt ra câu nói: "Chiến tranh không thể cướp đi sinh mạng của anh vì nhờ anh có tình yêu của em, nhưng bây giờ nó đã tàn nhẫn cướp đi tình yêu đầu đời của anh rồi". Chị ngồi đó với hai hàng nước mắt chảy dài, lặng lẻ cúi đầu với một niềm xót xa, nuối tiếc khôn nguôi…
 Từ dạo ấy, chị cất kỷ những bài hát vào ngăn tủ. Tiếng hát ngày xưa giờ là tiếng ru ầu ơi bên cánh nôi. Niềm vui sướng ngày xưa khi thấy cánh hoa trong vườn bắt đầu hé nụ, giờ là niềm hạnh phúc vô ngần khi nhìn cánh môi chúm chím của con thơ mĩm cười.Chị cố quên đi những tan vỡ trong lòng. Người yêu của chị bây giờ phục viên trở thành tài xế xe ngựa. Không biết tình cờ hay hữu ý, anh lại chạy tuyến đường chị đi dạy học Phan Thiết – Phong Nẫm. Cứ ngày ngày đón chị, mời chị lên xe nhưng năm khi mười họa chị mới chịu lên một lần, lên rồi chị ngồi yên không nói … Một thời gian sau, nghe đâu anh đi lập nghiệp ở miệt dưới, Cần thơ hay Vĩnh Long…
Cuộc sống vẫn cứ trôi đi, còn chị chẳng hiểu vì sao? Cứ mỗi khi mùa thu về bỗng dưng thấy buồn da diết, cứ muốn khóc để nhẹ lòng. Chị khẻ hát:
 “Hồn thu tới nơi đây gieo buồn lay, lòng vắng muôn bề không liếp che, gió về.
Ai nức nở thương đời, châu buông mau dương thế bao la sầu…?”(*).
 Tâm hồn chị là những ca từ tao nhã, là những dòng nhạc êm ái  nhưng chồng chị đi theo một hướng khác. Anh ta thực tế đến sòng phẳng, sáo rỗng đến tầm thường. Những gì ban đầu anh ngụy trang cẩn thận bây giờ đã lộ rõ chẳng cần che dấu. Rồi những ngày làm dâu ăn cơm với nước mắt, làm vợ với nỗi xót xa vì người chồng vô trách nhiệm be bét rượu chè, ghen tuông vô cớ hay đánh đập, chị đã thành người héo hắt. Cảm thấy bị dày vò, xúc phạm nặng nề nên nhiều lần chị van xin chồng buông tha cho mình. Mặc dù anh ta không chịu còn hăm dọa, nhưng cuối cùng chị cũng ly dị được và ở vậy nuôi con. Vài năm sau anh ta chết vì ngộ độc rượu.
Còn người yêu cũ, lâu lâu, lại về Phan Thiết, ghé quán vệ đường thăm chị và gửi những dòng thơ anh viết cho chị:
“ Ở nơi đâu và bao giờ cũng thế
Ngọn đèn khi thắp lên làm ấm cõi lòng
Ngày tháng cũ yêu em giờ đã mất.
Sao lòng tôi còn mãi một âm thanh”
Có lúc anh nói với chị nửa đùa, nửa thật:
-     Sao Mây không đi thêm bước nữa?
-          Đi một bước mà mất nửa cuộc đời rồi , chắc đi bước nữa chắc em mất cả cuộc đời luôn quá?
-          Chứ chả lẻ em cứ sống vò vỏ một mình vậy sao?
-          Em nói vui vậy thôi , chứ mình già lớn rồi sắp hết cuộc đời rồi còn gì?
-          Anh về dưới quê lần nào cũng buồn , thấy nhớ em anh lại nhìn mây trắng bay…
-          Anh ơi, mây bay đi không thể nào trở lại, nên đâu có bầu trời nào giống bầu trời nào, làm sao sống lại với khung trời cũ…?
-          ….?!
Rồi như một thoáng gặp nhau trong đời, họ phải tạm biệt những chiều mưa thật ngắn ngủi. Dẫu họ chưa cùng nhau thức với biển đêm dài nhưng cũng có những tiếc nuối khi anh về lại miền Châu Thổ.
Bây giờ chị sống với đứa con gái, buổi sáng chị thường đến với biển như chút  mặt trời thức dậy theo gió trùng khơi xuyên qua cành lá. Mái tóc chị vẫn  còn  dài như dãi nắng vàng trải xuống áo mùa thu. Chị vẫn như tình cờ đến với biển , bên tách cà phê đậm đà, với dáng “Huế Hoàng Cung”, chợt trở nên mông lung hư ảo như thuở nào, để ai đó ngồi bên chị cứ ngỡ bóng mây trời… Đêm đêm chị đổ giọt mồ hôi bên quán vỉa hè, lo toan cuộc sống, thương các con, đứa đi học xa nhà, đứa sắp thành thiếu nữ…Chị hình như chẳng còn hoài mong điều gì cho riêng mình, để anh lại trách chị:
“Không cho nhau hết cuộc đời
Em ngồi để trắng một thời xuân hương…”


(*) Trích nhạc phẩm “ Giọt mưa thu” của NS. Đặng Thế Phong.



Tiếc nhớ Thăng Long

Cầu Thế Húc bao năm còn đỏ rực
Giữa xanh trong những rặng liễu ven hồ
Hà Nội đó ngàn năm văn vật
Dường như rêu phong đang cố trùng vây
Ngựa xe xuôi ngược người qua lại
Hồn thiêng Tháp Bút mãi ngất ngây
Người đi xiêm áo khoe màu sắc
Vẫn nhớ như in một dáng gầy
Rùa nhỏ năm xưa giờ luống tuổi
Ngước nhìn trời thấy tiếc nhớ Thăng Long

Sống với đời người

                                                                       
Nhiều khi cảm thấy buồn chán vì cuộc sống nhiều đua tranh, đố kỵ…tôi ước gì được quay về với tuổi thơ để được sống những ngày hồn nhiên, mơ mộng. Nhưng đó chỉ là khoảnh khắc dịu vợi tiếc nhớ những gì đã qua. Cũng như bao người, tôi luôn hướng tới tương lai, khát vọng về tình yêu và hạnh phúc luôn cháy bỏng trong lòng. Dẫu thế, biết bao điều được, mất cứ dằn vặt làm mình đau khổ. Có lẽ thời gian qua đi phí hoài là những gì tôi đã đánh mất trong cuộc đời mình?
Rồi đêm về, ngước nhìn ra lên bầu trời đầy những tinh tú, tôi thấy vũ trụ thật vô cùng, và trái đất cũng chỉ là một phần nhỏ bé của vũ trụ. Mỗi chúng ta còn nhỏ bé đến dường nào nên nỗi buồn trong mỗi chúng ta chẳng là gì trong cái vô cùng ấy?!
Đôi khi ngồi mơ mộng, tôi ước gì mình được làm một cây bàng vô tư đứng bên bờ biển. Mùa đông khoác chiếc áo đỏ, mùa hạ mặc chiếc áo xanh. Khi mùa thu đến, bao nhiêu lá khô rơi rụng, để lại những cành trơ trụi, vỏ cây sần sùi ghi dấu thời gian vô tình đi qua, không hề thấy buồn, không hề thấy tiếc nuối…
Ước mơ làm một cánh hải âu giữa bầu trời cao rộng, bay đến những hoang đảo chỉ có những loài cây không ai biết tên tuổi, những con ốc ngày hai buổi bò lên bờ, rồi theo sóng lăn mình xuống biển. Chim sẽ làm bạn với sóng biển , với những rặng san hô muôn màu chập chờn trong làn nước trong xanh. Rong rêu cũng không thể phủ lên đôi cánh chim như đã từng phủ đầy trên vách  núi. Chim sống vô tư, suốt ngày bay lượn, khi nào mỏi cánh, những ngọn buồm sẽ là chỗ dừng chân. Dẫu đất trời thay đổi, chim không biết đọc trên tờ lịch một ngày đã mất. Nó không có tóc để thấy màu trắng bạc của mái đầu. Không có những nếp nhăn tuổi tác để khái niệm về sự già nua. Một ngày nào đó chim cũng sẽ chết đi thanh thản như chưa từng nếm trải những gian truân trên cõi đời.
Tôi nghĩ đến những con người khát khao cuộc sống, đấu tranh với thiên tai, dịch bệnh… để sinh tồn. Chúng ta hạnh phúc được làm người, được sống phong phú trong tình người, được làm những điều mà chỉ có con người mới làm được, được giao hòa với thiên nhiên bao la, tươi đẹp, có muôn nghìn chim muông, hoa lá. Lẽ nào chúng ta không thiết tha yêu cuộc sống của mình? Chúng ta có quyền sống vô tư  như  những cây bàng nhưng ta không thể hờ hững với nỗi đau của người khác. Chúng ta có quyền mơ mộng như những chú hải âu, nhưng không là viễn vông, không là vô định. Chúng ta biết đếm thời gian trên từng sợi tóc nhuốm bạc nhưng tâm hồn vẫn cứ trẻ trung, có lẽ vì chúng ta biết yêu chính cuộc đời mình?

Tôi là chỉ một con người bình thường, mong sao mình sẽ vượt lên những yêu ghét, hờn giận, nhỏ nhen, ích kỷ, sớm từ bỏ thói quen an phận, cố gắng học hỏi…để không ngừng hoàn thiện. Tôi sẽ sống đúng với cuộc đời mình diễm phúc có được, như nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn đã từng hát lên :“ Tôi là ai , là ai ? mà yêu quá đời này!”. Để khi ngước nhìn bầu trời, tôi sẽ tìm thấy lung linh những cánh sao tinh thần: tích cực, yêu thương, xây dựng, tin tưởng, hướng thiện luôn tỏa sáng.




Những điều mẹ dạy


Khi chập chững những bước đi đầu đời, nhận biết được thế giới xung quanh, tôi đã nhìn thấy mẹ và sống trong vòng tay yêu thương của mẹ. Tôi thấy điều đó thật bình thường, tự nhiên  như  hết ngày rồi đêm, như việc chúng ta ăn, uống, hít thở không khí. Tôi không để tâm tại sao lại như thế? Cũng như không hiểu được tình yêu lớn lao của mẹ. Lớn lên tôi mới hiểu được lòng mẹ. Những điều mẹ dạy  như  ngấm dần trong tôi thành lý lẽ, thành nhân cách sống ở đời.

Tôi nhớ có lần mẹ dẫn tôi và chị Khánh Hương đến nhà Cô Thu Nhi, bạn của mẹ chơi. Năm ấy tôi lên bảy, chị hơn tôi hai tuổi. Tình cờ chạy ra sau vườn, chúng tôi nhìn thấy một con gà mái rời ổ bay xuống tìm mồi. Tò mò nhìn vào ổ trứng, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy có một quả trứng to gấp ba bốn lần trứng gà bình thường. Thích quá nên chị em tôi đã lấy nó giấu trong vạt áo mang về nhà...Bất chợt nhìn thấy tôi nâng niu quả trứng thật to, mẹ liền tra hỏi: - Quả trứng này ở đâu ra?
Tôi mếu máo khai là “lượm” được ở sau vườn nhà cô Thu Nhi. Mẹ tôi biết ngay chúng tôi lấy cắp nên quất mỗi đứa mấy cây roi mây đau quắn đít. Rồi mẹ bắt phải mang quả trứng đến nhà cô xin tha lỗi và trả trứng lại. Chúng tôi hỗ thẹn quá nên khóc như mưa và tự hứa với lòng sẽ không dám “lượm” cái gì, của ai nữa (?).
Tôi còn nhớ, em gái út sáu tuổi của tôi rất yêu mẹ. Suốt ngày, nó cứ quấn quít bên mẹ. Nó xách đôi dép mẹ ngồi trước cửa buồng mỗi khi mẹ đi tắm. Có lần cha tôi công tác xa, nó sốt cao và ho, mẹ lo lắng quá nên mời y tá đến tiêm thuốc cho bé. Không may em tôi bị sốc thuốc qua đời. Suốt mấy tháng liền, đêm nào tôi cũng nghe tiếng khóc khe khẽ của mẹ, khiến lòng tôi cũng day dứt khôn nguôi. Mẹ tôi đau buồn đến muốn chết theo con. Qua biến cố đó, tôi mới hiểu tình mẹ thương con bao la vô bờ bến.
Một lần khác, cũng hai chị em tôi được mẹ dẫn ra chợ ăn chè. Ngồi trước mặt bà bán chè răng rụng hết chỉ còn độc nhất một cái răng cửa, nhưng bà lại hay cười khiến mỗi khi nhìn mặt bà, chúng tôi không nhịn được ôm bụng cười như nắc nẻ. Không hiểu sao, mẹ nổi giận đùng đùng, không cho ăn chè nữa mà lôi về nhà mắng cho một trận. Từ đó trở đi, chúng tôi không còn dám cười những khuyết tật của người khác nữa.
Mẹ yêu thương chúng tôi bằng tình cảm khắt khe của người mẹ, ngồi xoa dầu lên những vết roi trên mình con mà nước mắt tuôn trào.
Mẹ tôi hay thương những người nghèo khổ vì lâu lâu mẹ lại cho họ: Gạo, tiền… gom quần áo cũ cho họ. Mẹ kể: “ Ngày xưa nhà mình nghèo lắm, sắp Tết không có tiền mua quần áo mới cho các anh chị con, mẹ phải cắt cái trần mùng ra , nhuộm với mực xanh, may tay cho mỗi đứa một bộ. Nên các con mặc đồ phải giữ sạch sẽ, lành lặn  còn  để dành  cho người nghèo, họ rất quý”.
Trước đây, cha tôi làm nuôi gia đình, mẹ chỉ làm việc nhà và dạy dỗ chúng tôi. Từ khi thời cuộc thay đổi, cha tôi thất nghiệp, một tay mẹ nặng gánh lo toan. Mẹ tôi hết bán khoai mì, khoai lang,  rồi chuyển sang bán gạo, bắp, cá khô…Mẹ lặn lội mua lúa tận chân núi, gánh ra lộ, rồi chở về thị xã xay bán. Trời nắng chang chang, mẹ phải tay xách, nách mang mấy bao cá nặng trĩu, đi qua chiếc cầu ván mỏng manh, lắc lẽo bắt qua ghe. Nhiều người ngạc nhiên, trầm trồ, không hiểu sao trước đây mẹ tôi suốt ngày chỉ biết làm nội trợ, bây giờ lại chân đất gánh gạo đi thoăn thoắt trên đường? Họ đâu có ngờ, năm xưa mẹ tôi đã từng là phụ nữ cứu quốc Thành Đà Nẵng, hơn năm năm tham gia kháng Pháp, mấy lần vào sanh ra tử.
Lo cải thiện cho cuộc sống gia đình, mẹ và hai anh tôi lên tận cây số bốn mươi phát rừng, làm rẫy, trồng bắp, trồng khoai…Trên mảnh đất khai hoang có lần anh tôi phá gò mối giết gần hai mươi con rắn, trong đó có hai con rắn đen mun, mòng đỏ. Dân ở đây bảo, đó là loài rắn chúa đất rất thiêng, không ai dám đụng đến nó! nghe vậy nên cả ngày mẹ thấy bần thần, lo lắng. Không biết có trùng hợp không? Tối hôm ấy anh tôi đang ngồi chơi với mấy người bạn trong xóm bỗng dưng mắt bị mờ, không nhìn thấy đường về nhà. Đêm đó mẹ tôi lo buồn lắm. Liên tưởng đến những chuyện xảy ra trong ngày nên suốt đêm bà thắp nhan bàn Phật cầu xin cho anh tôi sáng mắt. Mẹ bảo: “ Mẹ già rồi mẹ mù thay cho anh con cũng được…”. Sáng hôm sau, anh tôi đã sáng mắt trở lại. Còn mẹ tôi từ đó trở đi, không đêm nào ngủ được, ăn không tiêu, trong người lúc nào cũng ớn lạnh, phải chụm một khương lửa đặt dưới giường để sưởi ấm. Mẹ tôi bệnh triền miên bốn năm tháng trời nên người xanh như tàu lá chuối. Tôi nhớ có một đêm, mẹ tôi mệt rũ và hấp hối, chúng tôi sợ quá vây quanh mẹ kêu khóc ầm ĩ. Mười mấy tuổi đầu tôi đã biết suy nghĩ như người lớn: “ Ngày nào tôi mất mẹ là ngày đó tôi không còn là trẻ thơ nữa. Tôi sẽ trưởng thành trong bơ vơ , lạc lõng giữa cuộc đời này”.
Tưởng chừng như không còn chút hy vọng, bỗng nhiên có người trong xóm tìm giúp cho mẹ tôi một ông đồng cốt, chữa bệnh bằng tâm linh. Ông lên đồng cho rằng vì anh tôi phá nơi ở của ông chủ đất nên mẹ tôi bị quở phạt, mẹ con tôi vạn cầu khóc lóc xin tha mạng, đến quẻ keo thứ ba mới được chứng. Đêm ấy mẹ tôi vui mừng kéo tôi ra khỏi nhà ông đồng, lần đầu tiên mẹ tôi ngủ được sau thời gian bạo bệnh. Mẹ tôi thoát cơn hiểm nghèo và sống với chúng tôi đến ngày nay.
Tôi thấy mình thật diễm phúc. Cha mẹ đã nuôi dạy bảy anh em chúng tôi khôn lớn nên người… Mặc dù, sau hai lần bị té trong khi chạy chợ kiếm sống khiến mẹ tôi phải hết đi nạn, rồi ngồi xe lăn nhưng mẹ vẫn lạc quan, yêu đời bên cạnh sự thương yêu, chăm sóc tận tình của cha tôi. Mẹ tôi đã gần bảy mươi lăm tuổi rồi, khuôn mặt phúc hậu, mái tóc bồng bềnh bạc trắng như mây giống bà tiên hiền từ trong truyện cổ tích. Có lần tôi khoe với mẹ rằng tôi đang viết về bà. Mẹ tôi hỏi: “ Con viết cái gì về mẹ vậy? Có cái gì hay để con viết không?”. Tôi hình dung sẽ là một kết thúc có hậu…Khi đang viết dở dang, mẹ tôi đã đột ngột ra đi sau một cơn nhồi máu cơ tim…
Ngồi trên chuyến xe đò về Phan Thiết thọ tang mẹ mà nước mắt tôi cứ lặng lẽ rơi. Đến nhà, quỳ bên gối mẹ, hồi hợp giở chiếc khăn điều ra, tôi chờ đợi một điều gì thật đau lòng, nhưng không: Khuôn mặt mẹ vẫn hồng hào và vô cùng thanh thản. Mẹ nằm như đang ngủ, khiến lòng tôi bỗng dưng nhẹ hẵn. Tôi có cảm nhận: Hình như mẹ lìa đời sớm hơn, cố giữ sắc diện như vậy vì không muốn chúng tôi đau đớn, uất ức khi mẹ vĩnh viễn ra đi. Ôm hôn lần cuối, nước mắt tôi ràn rụa trên khuôn mặt mẹ. Tôi muốn níu giữ mùi da thịt, giữ mãi chút hơi ấm thương yêu nơi buồng tim của mẹ cho suốt cuộc đời này. Rồi tôi tự nhủ : Mình phải nén những đau thương, cố gắng không được ngã quỵ vì còn nhiều điều phải lo khi mẹ nằm xuống …và tôi đã làm được điều đó. Mẹ mãi là ánh lửa ấm áp giúp chúng tôi vượt lên mọi gian nan, khốn khó trong cuộc đời.
Về lại Sài gòn, cứ mỗi lần ngồi trước máy vi tính, dự định viết tiếp nhưng chữ nghĩa bỗng trở nên nhạt nhẽo và hạn hẹp đến lạ lùng. Bao lâu nay tôi không dám nghĩ: Một ngày nào đó mẹ không còn hiện hữu; Để rồi giờ đây đành phải chấp nhận: Mẹ chỉ còn là những nhớ thương, hoài niệm, thiết tha đau nhói trong lòng. Tôi chợt nhận ra một điều, dù có viết bao nhiêu về mẹ, tôi cũng không thể nói hết những gì mẹ dành cho chúng tôi. Nhưng như đã thầm hứa, tôi cố gắng hoàn tất bài viết đem về tặng mẹ như một lời tạ ơn muộn mằn. Làm được điều này, dường như, tôi đang nhìn thấy thấp thoáng nụ cười của mẹ trong vừng khói hương mờ mịt giữa cõi hư  vô.


Sài Gòn tháng 4/2004

Chuyện một con gà


    



Lần đầu tiên nhà tôi có một ông anh bà con xa từ Huế vào Phan Thiết thăm, mẹ tôi vui mừng lắm, làm gỏi cá mai, mua cá lồi về xối mở cuốn bánh tráng đãi  anh. Món dân dã miền biển khiến anh ăn rất ngon miệng nên cứ tấm tắc khen. Sau đó, anh rủ chị tôi và chị dâu theo anh về cố đô thăm quê nội và ngoại.
Nhà tôi thời ấy chỉ đủ ăn nên cũng không ai có điểu kiện đi đâu xa cả. Lần đầu tiên hai chị được đi như thế trong đầu vẽ nên bao viễn cảnh thơ mộng nào là sẽ đi thăm các lăng tẫm của các vì vua, thăm chùa Thiên Mụ, bến Vân Lâu...đi ăn mấy món Huế như:  bánh bèo, bánh nậm, cơm hến... Đi suốt  hơn hai ngày trên tàu, ba người hầu như chỉ ăn bánh mì, uống trà đá cho qua buổi vì hai chị mang theo rất ít tiền, còn anh chắc cũng đang khó khăn. Về đến nhà anh, hai chị tôi ngạc nhiên hơn vì cơ ngơi gia đỉnh hai mẹ con anh là một mái tranh xơ xác, trong đó không có vật dụng nào đáng kể. Ở đó mấy ngày hai chị cũng được thăm thú vài di tích nhưng ăn toàn cá cơm kho và rau lang luộc chấm tương. Mẹ anh dự định bắt con gà độc nhất trong nhà để làm thịt thết đãi mọi người một bữa thịnh soạn nhưng có lẽ nó bị ai bắt mất nên bà tìm hoài không thấy. Tiếc quá bà khóc rưng rức suốt đêm. Tối hôm ấy chị tôi trăn trở mãi không ngủ được,  phần vì thấy cảnh bà cô già bị mất một con gà mà khóc thảm thiết, phần vì mình cũng nghèo không có tiền để giúp bà...
Khi câu chuyện ấy đã lùi vào quá khứ. Một hôm bà cụ gọi điện vào nhà tôi đòi gặp chị tôi nhưng chị dâu là người bắt máy:
- Cho o gặp con Hương có chút chuyện đi cháu.
- Dạ, em cháu nó không còn ở Việt  Nam nữa, nó qua Mỹ mấy năm rồi. Có chuyện gì vậy o?
- Vừa rồi con Hương nó gửi tiền về cho o. O mừng  mà tay chân run luôn, lần đầu tiên o cầm số tiền lớn như vậy. Ừ mà sao nó ở tuốt bên đó mà nhớ gửi tiền về cho o?
- Dạ, dạ...bên đó... vẫn gửi được ạ...!?
- Nó có gọi điện về nhà cháu cho o gửi lời thăm và cảm ơn nó nghe! nhớ nói tiền đó o mua được một bầy gà làm vốn...
- Dạ, cháu sẽ chuyển lời o.
Đặt máy xuống, nhưng trong lòng chị cứ thấy bần thần suy nghĩ, chị kể với tôi:
- Em biết không, chị và Khánh Hương cùng chứng kiến cảnh bà cô khóc lóc như “ma trù” khi mất con gà nhưng hầu như chị chẳng còn nhớ gì về chuyện ấy nữa, chị cũng quên bẵng bà cô này... riêng Khánh Hương vẫn nhớ canh cánh điều đó và khi có điều kiện đã giúp đỡ bà. Chị thấy cảm phục tấm lòng của nó quá.
Năm ấy  chị tôi đã lấy chồng, sống ở Garden Grove - Bang California với nghề làm móng tay. Có lẻ trong ký ức về quê hương Việt Nam thân yêu, chị không quên bà cô già nghèo khổ và câu chuyện mất con gà năm xưa.



Giữ lấy nơi bình yên những cánh cò




Tôi lớn lên ở thành phố nên  nông thôn là những gì rất mới lạ đối với tôi. Có dịp về miền quê chơi là tâm hồn tôi cứ bay bổng lên không trung, lồng lộng trong làn gió mát mẻ và thơm nồng hương lúa… Có lần tôi về lại Suối Dầu – một vùng nông thôn cách Thành Phố Nha Trang hơn hai mươi cây số về phía Nam theo đường Quốc lộ số một. Ấn tượng nơi đây đã để lại trong tôi một tình yêu thiên nhiên tha thiết.
Suối Dầu là vùng đất  nằm giữa hai dãy núi hiện lên thật rõ ở phía Tây và sừng sững ở phía Đông. Màu xám của núi ở đậy thật lạ, nó bãng lãng, mơ hồ thật khó diễn tả. Giữa nền núi, nổi bật những thân dừa xanh thẫm, dưới chân những anh chàng thư sinh cao dong dõng ấy là đồng cỏ xanh tươi, bạt ngàn, làm cho sắc núi và màu trời phải ghen tỵ với cái vẻ non tơ, mượt mà của nó.
Hương đồng nội là một mùi hương phong phú nhất tôi từng biết… Đó là mùi của bùn đất, của rạ, của cây cỏ, của hương lúa, hương cau đang độ trổ hoa thơm ngát. Tuyệt vời hơn khi tôi đi qua những đầm sen nơi đây trong mùa hạ. Hài hòa với vẻ đẹp thanh cao là hương thơm tinh khiết của sen, khiến ta cảm thấy như hòa nhập với thiên nhiên, tâm hồn mình  cũng trở nên bao dung, thánh thiện.
Chợt hiện  về trong tâm trí tôi câu thơ xưa:
“… Thu ăn măng trúc, đông ăn giá.
Xuân tắm hồ sen , hạ tắm ao…”.
Trở về đây tôi như trở về với tuổi thơ của mình, nhất là khi nhìn những cánh diều vi vu trong gió, nghe tiếng kẻo kẹt của lũy tre già, thích thú với những vườn xoài trĩu quả, những cây mít sai trái… Cảm thấy như thân thiết, gần gũi với bản chất mộc mạc của bác nông phu, em bé mục đồng…Chảy qua một khúc quanh thật bằng phẳng của địa hình là dòng suối lặng lẽ tuôn trào có tên là Suối Dầu, nó mang trong lòng rất nhiều những loài cá nhỏ bé, bơi líu ríu, tung tăng, những con ếch no tròn thỉnh thoảng lại cao hứng, búng mình lên bờ…Ngồi trên chiếc cầu nhỏ ở đây câu ếch thật là thú vị.
Xa xa nhưng vẫn trong tầm nhìn là ngọn đồi mọc toàn các loài hoa có hương thơm nhẹ: Hoa trinh nữ, hoa lài, hoa tứ quí, hoa ngũ sắc, hoa sứ trắng…thu hút muôn ngàn ong , bướm bay đến. Trên đỉnh đồi là ngôi mộ của nhà bác học người Pháp gốc Thụy Sĩ - Alexandre Yersin, người đã tìm ra trực khuẩn dịch hạch (Yersinia Pestic) và sáng lập ra Viện Pasteur Nha Trang. Suối Dầu ngày xưa là nơi Ông trồng thí nghiệm các loại cây như cao su, canh ky na (điều chế thuốc Quinine trị bệnh sốt rét)… Ông là người đã cứu biết bao người dân Việt Nam thoát khỏi căn bệnh dịch hạnh nguy hiểm và đóng góp lớn lao cho nền y học, nông nghiệp, chăn nuôi, thám hiểm… của Đất nước chúng ta. Vì sao một người ngoại quốc như Ông lại chọn Suối Dầu làm nơi an nghỉ cuối cùng? Ông dặn:“ Đừng để ai mang tôi đi đâu…”. Có lẽ, ông đã nhìn thấy nơi đây một vẻ đẹp trầm mặc, bình yên và đầy ắp tình người. Có lần tôi được nghe các cụ lớn tuổi kể lại: Ngày xưa người dân đi đưa đám tang của Ông Tư (tên người dân đặt cho Ông) sắp hàng dài mấy cây số từ Quốc lộ lên tới đỉnh đồi, nhiều người đầu chít khăn tang, tay bưng bát cơm… nước mắt đầm đìa họ khóc ông như khóc một người cha, một người ông ruột thịt đã rời xa họ về chốn vĩnh hằng.
Ở phía Nam cũng có những dãy núi mờ nhạt, những hàng dương thẳng tắp, ngọn vươn cao lên trời như những mũi giáo. Đồng cỏ êm ả có những chú cừu non đủng đỉnh trong làn gió mát dịu buổi ban mai. Từ  Trại chăn nuôi của Viện Vaccin và Chế Phẩm Sinh Học, những chú ngựa thả rông đang thư thái gặm cỏ, chốc chốc khẽ tung vó, rồi ngửa cổ hí vang một góc trời. Cảnh sắc ấy như vẻ đẹp của miền ôn đới, tạo nên một cảm xúc thật mới mẻ, nhưng thật gần gũi và sống động trong lòng người thưởng ngoạn.
Điều làm tôi xúc động hơn cả là được nhìn thấy một đàn cò trắng bay ngang vách núi. Chúng dàn ra thành những đường cong đều đặn, sau đó chuyển đội hình thành một cánh cung trắng toát giữa nền núi sẫm màu. Giữa những thân hình mảnh mai , những đôi cánh mềm mại và những trái tim bé bỏng là sự kết hợp, gắn bó một cách tuyệt vời. Nhìn đàn cò bay lượn như một phi đoàn đang biểu diễn tôi có cảm giác hân hoan và vui sướng như chính mình đang bay lượn như những cánh chim ấy .
 Suối Dầu, có một vẻ đẹp vừa thanh bình lại vừa bí ẩn, vẻ đẹp rất gần với những nông thôn miền Trung, nhưng nó có điều gì đó thật khó lẫn lộn, dễ làm nức lòng những ai yêu thiên nhiên, muốn trải rộng tâm hồn, rung động trước những cảnh sắc tươi đẹp. Tôi thật may mắn có được niềm vui khi được chứng kiến những khoảnh khắc thật lãng mạn của thiên nhiên nơi đây. Riêng đối với tôi, Suối Dầu đã để lại hồi ức thời sinh viên trẻ trung, sôi nổi và rất nhiều kỷ niệm về những ngày lao động hè dãi nắng dầm mưa tại nơi này.
Tôi rất đau lòng vì biết một lượng lớn nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép và độc hại từ  Khu công nghiệp Suối Dầu chảy ra hai cống Ông Của và Bàu Cỏ gây ô nhiễm môi trường, làm hư hỏng các giếng sinh hoạt và  ảnh hưởng đến đời sống người dân nơi đây. Mặc dù, các cơ quan chức năng đã có những biện pháp xử phạt, nhưng liệu có ngăn chận triệt để sự hủy hoại của Khu công nghiệp này đối với cảnh quan và môi trường sinh thái nơi đây không? Liệu trong vòng vài năm tới Suối Dầu có còn là nơi thơ mộng, du khách đến viếng mộ Nhà bác học A. Yersin, có còn là nơi bình yên để những cánh cò bay lượn?!

Wednesday, July 20, 2011

Sự tích người cha


                             Viết theo truyện cổ tích

Thượng Đế tạo ra cha với đôi bàn tay to lớn
Để mỗi khi bị ức hiếp con được úp mặt vào nức nở
Để nâng con đứng lên khi gục ngã trên đường

Rồi Người tạo cho cha đôi vai rộng và cánh tay cứng cáp
Để làm ngựa cho con cưởi tập trận Cờ Lau
Để con tựa đầu say giấc ngủ trên cao
Khi được cha cõng đi dạo phố!
Để tuổi thơ của con êm đềm như đồng lúa
Vi vút cánh diều lả lướt ngọn tre

Thượng Đế tạo cho cha với hai chân to khoẻ
Để làm xích đu cho con trẻ đùa chơi
Và dọa lũ chuột khi chúng làm con sợ hãi

Cuối cùng Thượng Đế tạo ra cha với trái tim dũng cảm
Rồi thêm vào đó những giọt nước mắt yêu thương
Để cha khóc khi con đau khổ hay thất bại,
Khi con hạnh phúc hay thành công
Nhưng nước mắt cha chỉ chảy ngược vào trong …
Thầm lặng sâu kín
Như tình thương mênh mông cha dành cho con vậy.

Lấy đi


Cà phê lấy đi giấc ngủ
Mưa tươi ruộng lúa lấy đi mặt trời
Giàu sang lấy đi giản dị
Em về bên anh lấy đi quanh hiu.

Hoa Vô Ưu


Lâu nay tôi không hề hay biết
Có một loài hoa tên Vô Ưu
Cánh vàng mặt trong khoe sắc đỏ
Như dáng thân rồng nhỏ lượn quanh
Giữa đất Angkor nghìn chùa tháp
Trong vườn thượng uyên của hoàng cung
Ngồi dưới bóng hoa Phật thiền định
Niết bàn hồn sẽ nhập vào đây
Vô ưu cho đời thôi sầu muộn
Nhân gian thôi hết những oán hờn

Thursday, July 14, 2011

Mùi hương gợi nhớ


Đã có những mùi hương hiện hữu trong miền ký ức xa xôi mà ngay thời khắc đó mình không hề hay biết, không hề cảm nhận hết giá trị của nó. Người xưa đã từng tâm sự:
“Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hương”
Dường như rất nhiều thơ ca, âm nhạc nhắc đến những mùi hương. Bất chợt một hôm ta nghe được hay bắt gặp lại, tâm hồn mình dường như lắng đọng, hình ảnh những người thân yêu, bạn bè thấp thoáng hiện về từ dĩ vãng đầy ắp hạnh phúc ngọt ngào hay những hồi ức chạnh lòng làm ta cứ nhớ thương, khắc khoải để phải thốt lên rằng: Thật kỳ diệu những mùi hương!
 Đôi lúc ta bỗng nhớ quay quắt cái thời trẻ dại, nhớ mùi thơm lừng của những củ khoai lang lùi bị cháy sém, mùi cá nục kho tiêu và mùi cơm lúa mới thơm tho ta đã được thưởng thức từ bàn tay mẹ. Phan Thiết là quê hương tôi. Ở đó có Bãi Rạng rợp  bóng dừa ven bờ biển, ngan ngát hoa dừa đưa hương trong gió, có Mũi Né thẳng tắp những hàng cau hoa xoè đuôi phụng, toả hương thơm ngào ngạt ngây ngất cả không gian, nhắc ta nhớ đến Sự tích “Trầu Cau” bà kể năm nào. Rồi tình cờ đi ngang qua một hồ sen nở hoa hồng cả mùa hạ, hương thơm như kéo ta về cái thời trốn học leo lên đồi cát thả diều, rồi nhảy xuống tắm ao, miệng nhai chóp chép những hạt sen non thơm thơm mùi sữa. Còn nhớ mùa Vu Lan năm đó mẹ dẫn mấy đứa tôi đi chùa, hoa lài xâu chuỗi tỏa hương thơm ngát từ trên tay những thiếu nữ đang cầu nguyện hoà quyện với khói nhang trầm thanh khiết bay lên từ chốn Phật Đài. Bất giác, dù còn bé dại tôi cũng thấy lòng lâng lâng thanh thản lạ thường.
 Lúc nhỏ, chị em tôi rất mê trái đào lộn hột. Sau khi ăn trái, chúng tôi thường để dành hạt điều rồi nướng trong bếp, những tia lửa xanh thật ấn tượng và mùi thơm rất lạ lùng phát ra từ những hạt điều ấy, tôi nghĩ ai đã có những năm tuồi thơ ở quê tôi chắc sẽ không bao giờ quên được. Lớn lên tôi phải sống xa nhà, lang bạt nhiều nơi, mỗi khi nhớ quê là tôi thấy nhớ cha, nhớ mẹ, mới thấm thía câu hát :“ Ba mẹ là quê hương…”. Sau khi mẹ tôi mất, có dịp về nhà ngã đầu trên gối của mẹ, mùi dầu xanh của tuổi heo may trái gió trở trời, mùi mồ hôi… khiến tôi nhớ mẹ đến não lòng và bất giác khoé mắt cay cay…
Bao năm rồi tôi vẫn không quên mùi hoa bâng khuâng trong vườn nhà em, không quên kỷ niệm ngồi nắm tay nhau im lặng hàng giờ mà không biết chán. Mùi da thơm con gái, mùi hoa tím ấy, sau cơn mưa, nhẹ nhàng len lén như bước chân mềm mại của người thiếu nữ đầu tiên đặt lên những cung bậc tâm hồn tôi. Lúc ấy tôi chợt hiểu ra: mỗi mùi hương gắn liền với một kỷ niệm, một tình cảm dịu êm ta đã có trong đời… Đôi lần, ta bỗng thấy chạnh lòng khi nghe thấp thoáng đâu đó câu hát: “ Nghe như mùi hương xưa, từ quá khứ đưa về.
Lâng lâng hồn bay đi, rồi về xa dĩ vãng.
Thấy người xưa trong nắng,
thấy thu vàng mênh mông
Lá đỏ qua sông vắng
Mây ngừng trong mắt trong…”
                     
                      ( Tiếc một người – Thanh Bình)


Trong nỗi nhớ nhà, tôi lại nghe vị nồng nàn của biển, mùi những gánh cá tươi đầy ắp đổ về chợ mỗi sớm mai. Còn nữa, ôi mùi nước mắm mới “thơm tho” làm sao! Mỗi lần về thăm nhà, đi ngang qua những nhà làm thùng lều nước mắm ở Đức Thắng hay Phú Thủy tôi cứ muốn hít lấy hít để cái mùi hương mà du khách thường bảo làm cho “tỉnh ngủ”. Chiều chiều, thả bộ trên Bến Bạch Đằng, ta bắt gặp mùi mực khô, mùi cá khô nướng ngạt ngào giữa Sài Gòn hoa lệ, bỗng chốc lại thấy gần gũi thân thương vô cùng như chốn quê nhà. Nhớ quê, tôi lại nhớ cả Sài gòn, nhớ mùi sầu riêng, mít Tố Nữ, xoài Cát… của Chợ Bến Thành mỗi khi tôi đi xa Thành phố. Tôi nhớ cả Hà Nội những đêm ngồi bên hồ Thuyền Quang, nhâm nhi một ly nước mơ, thoảng nghe trong gió hương Ngọc Lan ẩn hiện, hái một bông bỏ vào túi áo suốt mấy đêm liền giấc ngủ còn thơm lây. Mùi thơm ấy gắn liền với hình bóng một cô gái ở Phố Nam Ngư vừa sắc sảo, vừa dịu dàng đáng yêu đến lạ. Hình như mùi hương đã làm không gian dường như xích lại và tình cảm cũng trở nên gần gũi hơn. Nhà thơ Đinh Hùng có lúc tự nhủ:
 “ Đi bên hàng rau cải cúc,
 hương này có phải hương xưa…?”.
Có bao giờ bạn thấy xúc cảm dâng trào khi tâm hồn hòa quyện cùng với thiên nhiên? Hãy chạy lên đồi thông Đà Lạt nằm soải người nhìn lên bầu trời cao rộng, nghe mùi cỏ dại thơm nồng quyện với mùi nhựa thông, sẽ thấy mình như hoà tan trong trời đất, cỏ cây với ta là bè bạn thân thương. Hãy thả nổi trên làn nước trong xanh êm đềm, hít sâu vào lòng ngực làn gió nồng nàn vị mặn của biển  Nha Trang. Mọi nhọc nhằn, mệt mỏi trong cuộc sống dường như tan biến, đưa ta đến với niềm lạc quan bay bổng, khiến ta thấy yêu thiên nhiên và cuộc đời này biết bao!
Tôi vẫn thích mùi lá dứa bay lên từ chiếc xe bán dạo khoai mì hấp, gợi tôi nhớ cái thuở mới học vỡ lòng cứ hay cắt từng mẫu bánh tráng ngọt thơm mùi lá dứa ép vào trang sách, học bài buồn miệng, lật tìm vài miếng nhai đỡ ghiền. Mỗi khi có dịp ăn lại gói xôi đậu xanh trộn dừa, tôi lại nhớ như  in cái thời sinh viên, sáng nào cũng đứng bên thúng xôi bốc khói đầu hẽm, mua một gói vừa thổi, vừa ăn và tận hưởng mùi thơm nếp mới suốt mấy tháng liền mà không hề thấy ngán. Rồi mùi mì gói thật ấm lòng những đêm thức khuya học bài thi. Nhưng với những khuất lấp của dòng đời nhiều khi ta quên bẵng cái mùi “sinh viên” ấy(!)
Dẫu thế nào cũng có những mùi làm người này khó chịu nhưng lại gợi nhớ cho những người khác, vì cảm nhận một mùi hương cũng như tình cảm ta dành cho ai đó. Khi ta yêu ai, ta yêu luôn cả tính dễ ghét họ, khi ta ghét ai, ta ghét  tính dễ thương của họ. Vậy bạn đừng có ngạc nhiên tại sao nhiều người cứ thích ra ngồi ở bên bờ kênh Nhiêu Lộc để uống vài hớp bia. Có lẽ họ nhớ bia, nhớ mồi thì ít mà nhớ không khí bạn bè “sóng sánh dịu dàng” thì nhiều? Biết đâu họ lại nhớ mùi hoa nguyệt quế hòa quyện với mùi ngai ngái của sình lầy bay lên từ dòng kênh tự bao giờ đã trở nên quen thuộc!?
Nhớ lại thời xưa, thiếu nữ gội đầu bằng hoa bưởi, hoa cam, bồ kết… những mùi hương đồng nội ấy như  nhà thơ Nguyễn Bính đã từng nói đến:
 “Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”
Bây giờ có lẽ mùi thơm của các loại nước hoa nhập ngoại chiết suất từ nhiều loại hoa cỏ, xạ hương, trầm hương…của Versace, Christian Dior, Chanel, GivenChy, Hugo Boss … trong giới thượng lưu, sành điệu, ít nhiều đã lấn át phần nào chất lãng mạn tự nhiên thuở nào, nhưng biết đâu? Đó cũng là những mùi hương gợi cảm, gợi nhớ của biết bao người.
          Hãy cảm nhận cuộc sống hôm nay bằng những rung động của tất cả giác quan để thấy hạnh phúc đang trào dâng trong lòng! Ít ai để ý đến một điều thật hệ trọng: “ Hôm nay chính là quà tặng mà Thượng Đế đã dành cho ta” cũng như một mùi hương tình cờ ta bắt gặp đã gợi  cho ta nhớ đến một người, một quãng đời, một khoảnh khắc tình cảm dịu vợi, niềm hạnh phúc dạt dào… đã đi qua đời mình. Chính vì lẽ đó, trong hai tiếng thiêng liêng Quê Hương của mỗi con người, có một nửa là Hương để chúng ta nhớ và giữ mãi trong tim.




Nghẹn

Nghẹn  (Choking)
80x100 cm
Sơn dầu
2011

Đàn hát bên trời (playing guitar and singing with the blue sky)





Đàn hát bên trời xanh (Playing guitar and  singing with the blue sky)
80x100 cm
Sơn dầu
2011

Tắm mưa


Tắm mưa ( Take showers under the rain)
80x100 cm
Sơn dầu
2011